Triển vọng từ mô hình trồng nhãn Hương Chi của Hội CCB xã Dun, Chư Sê

Cập nhật 15/6/2020, 08:06:45

Thời gian vừa qua, Chư Sê được đánh giá là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn trái. Trong đó có thể kể đến thành công từ nhiều mô hình trồng nhãn Hưng Yên. Trên cơ sở các mô hình thành công trên địa bàn, Hội Cựu chiến binh xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai đã mạnh dạn xây dựng dự án, tổ chức hội nghị đầu bờ, nhân rộng mô hình trồng nhãn đến toàn thể hội viên và nhận được sự hưởng ứng tích cực.

Gia đình ông Nguyễn Xuân Tảo – hội viên Hội Cựu chiến binh xã Dun, Chư Sê là 1 trong những hộ đã mạnh dạn chọn cây nhãn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng đầu tiên trên địa bàn. Loại giống ông chọn là nhãn Hương Chi, Hưng Yên và nhãn siêu ngọt. Hiện gia đình ông đang có 200 cây nhãn năm thứ 4 đã cho thu hoạch và 100 cây nhãn năm thứ 2 đang bắt đầu thu bói. Hơn 6 sào nhãn này đã đem lại nguồn thu nhập gần 300 triệu đồng cho gia đình ông trong năm vừa qua. Theo đánh giá của ông Tảo, ngoài kỹ thuật chăm sóc đơn giản thì cây nhãn rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

Ông Tảo cho biết: “Nói về cây nhãn, kỹ thuật trồng và chăm sóc nó rất đơn giản. Đối với tôi, là một trong những người có kinh nghiệm trồng nhãn rồi, cũng mong muốn được mang những kỹ thuật của mình cùng với bà con nhân rộng, phát triển loại cây ăn trái ở vùng này”.

Trên cơ sở thành công của gia đình, ông Tảo đã cùng với 64 hộ hội viên khác của Hội Cựu chiến binh xã Dun đã ký kết tham gia dự án nhân rộng mô hình phát triển cây ăn trái trên địa bàn theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, mỗi hộ sẽ thực hiện trồng 150 cây nhãn, với 70% kinh phí đầu tư ban đầu được trích hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng Nông thôn mới của địa phương, 30% vốn còn lại do hội viên đóng góp. Để mô hình thành công, Hội Cựu chiến binh xã Dun đã tăng cường tổ chức các hội nghị đầu bờ để các hội viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, nắm rõ kỹ thuật, và thực hiện . Ngoài ra, Hội Cựu chiến binh xã cũng đã ký kết với Hợp tác xã Trường Xuân (huyện Ea Kar, Đak Lak) về việc đảm bảo thu mua sản phẩm cho các hộ tham gia mô hình.

Ông Trần Xuân Mộc – Thôn Greo Sek, xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai cũng nói: “Tôi thấy mô hình trồng nhãn này có thể bền vững, và có đầu ra ổn định nên gia đình tôi cũng tích cực hưởng ứng tham gia”.

Ông Lê Hải Đăng – Chủ tịch Hội CCB xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai  cho biết: “Xuất phát từ những mô hình thực tế thì hội viên đến tham quan và thấy hiệu quả kinh tế. Hiện đã toàn xã đã có 65 hộ tham gia. Cũng mong muốn làm sao, trên toàn xã, dù chỉ là phát triển mô hình trồng cây ăn trái thôi nhưng sẽ phát triển ra được toàn hội đem lại thu nhập ổn định cho hội viên”.

Với hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mong rằng mô hình trồng nhãn Hương Chi của Hội CCB xã Dun, huyện Chư Sê sẽ giúp các hội viên có thêm nguồn thu nhập ổn định, đồng thời góp phần cùng địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh, từ đó hình thành, xây dựng thương hiệu nông sản sạch trên địa bàn./.

Trương Trang, Phi Long


Lượt xem: 105

Trả lời