Tranh luận: Có nên đưa Lịch sử thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc?

Cập nhật 22/10/2023, 12:10:15

Tiếp tục khảo sát trong giáo viên và học sinh về các phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đã có nhiều ý kiến trái chiều về phương án đưa Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT. Dù là phương án 4+2 hay phương án 3+ 2 do Bộ GD&ĐT đưa ra để khảo sát thì môn Lịch sử vẫn là môn thi bắt buộc hoặc là môn thi lựa chọn trong chương trình học lớp 12 của học sinh.

Nghe tin môn học Lịch sử không nhận được nhiều bình chọn trong khảo sát các môn thi tốt nghiệp bắt buộc khiến thầy giáo Nguyễn Trường Sơn – giáo viên  đang giảng dạy môn Lịch sử của Trường THTP Lê Lợi, TP. Pleiku ít nhiều chạnh lòng và trăn trở. Bởi lẽ khi đón nhận chương trình GDPT mới, thầy Sơn đi từ sự băn khoăn khi Lịch sử chỉ là môn tự chọn, đến niềm vui vì xã hội ủng hộ để đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc. Nhưng quan trọng hơn, đây là môn học đặc thù có nhiệm vụ quan trọng giáo dục lịch sử, truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ.

Thầy giáo Nguyễn Trường Sơn – Giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku cho biết “Theo quan điểm cá nhân của tôi thì phương án thi tốt nghiệp năm 2025 ngoài các môn Toán, Văn, Anh văn thì môn Lịch sử là môn rất cần thiết. Bởi vì trong chương trình GDPT 2018 nó hướng tới phẩm chất năng lực cho học sinh và phẩm chất quan trọng nhất là phẩm chất yêu nước. Bộ môn Lịch sử ngoài giáo dục cho học sinh kiến thức về lịch sử của dân tộc, lịch sử của thế giới thì nhiệm vụ trọng tâm của môn lịch sử là giáo dục cho học sinh lòng yêu nước và định hướng cho học sinh trở thành công dân tốt có ích cho xã hội và cho đất nước.”

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT vừa đưa Lịch sử thành môn học bắt buộc ở bậc THPT mà ngay sau đó lại thành môn thi bắt buộc thì cần phải cân nhắc lại. Ngoài ra hiện nay, cũng có không ít giáo viên đã nghiêng về việc lựa phương án 3 đó là học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ nên thi 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn. Ở phương án này không có môn Lịch sử, giáo viên cho rằng như thế là hợp lý.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền – Giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Pleiku nói “Bản thân cá nhân mình tán thành phương án thứ 3, lý do ở phương án thứ 3 này nó sẽ đảm bảo được Nghị quyết 29 của Đảng, trong Nghị quyết đề ra là đổi mới phương pháp thi nhưng mà nó phải đảm bảo được giảm tải cho học sinh và giảm bớt khó khăn cho xã hội ///Các em đã được học môn lịch sử từ cấp 2 được gộp chung với môn KHXH, còn ở cấp 3 các em đã được học từ lớp 10 lên lớp 12  và tôi nghĩ học tập lịch sử là cả một quá trình học tập suốt đời, sau này có nhu cầu thì các em nó sẽ tiếp tục học tập thông qua nhiều hình thức khác nhau như là trải nghiệm, du lịch.”

Cô giáo Phạm Thị Hải – Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh chia sẻ “Môn Lịch sử có một vai trò rất là quan trọng chính vì thế mà nó trở thành môn học bắt buộc  nhưng không vì thế mà chúng ta áp đặt cho học sinh là phải thi mô Lịch sử bởi nó sẽ gây áp lực cho học sinh. Nên chăng chúng ta sẽ giành thời gian cho học sinh tiến tới kỳ thi riêng mà các trường đại học tổ chức để đánh giá năng lực của các em theo đúng định hướng nghề  nghiệp 2018.”

Làm sao để cả người dạy và người học đều giữ một thái độ học tập nghiêm túc dù không có chốt chặn thi cử là điều cần cân nhắc tới. Vì vậy điều quan trọng của môn Lịch sử không phải là môn thi bắt buộc hay môn thi lựa chọn mà vấn đề là cả giáo viên và học sinh cần đổi mới cách dạy, cách học, cách tổ chức lớp học sao cho hấp dẫn, mới lạ, để từ đó học sinh yêu thích học lịch sử./.

 

Lệ Xuân – Huy Toàn


Lượt xem: 7

Trả lời