Tỉnh ủy Gia Lai sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương Đảng khóa XI

Cập nhật 17/7/2019, 17:07:53

Sáng 17/7, Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Các đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Phan Lương – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên.

Trên cơ sở Nghị quyết số 33 Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chương trình  số 77 và chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền và các cấp, ngành tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung bám sát 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nêu ra trong Nghị quyết số 33. Nhờ đó mà 5 năm qua, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy. Hiện toàn tỉnh có gần 265.000 gia đình văn hóa, chiếm trên 76% tổng số hộ; 1.650 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, trên 1.300 công sở văn hóa; tăng gần 43.000 gia đình văn hóa, 590 thôn, làng, tổ dân phố và gần 500 công sở văn hóa so với năm 2014. Cùng với đó, môi trường văn hóa được cải thiện, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; đội ngũ làm công tác văn hóa có bước trưởng thành; các di tích lịch sử – văn hóa, danh tham thắng cảnh trên địa bàn được quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, con người còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp văn hóa; giá trị văn hóa truyền thống của một số đồng bào dân tộc thiểu số dần bị mai một…

Phát biểu kết luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đã đánh giá cao những báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận của các sở, ngành, địa phương tại Hội nghị đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương Đảng. Qua đây, cho thấy qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33, nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam được nâng lên và có chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, đồng chí Hồ Văn Niên đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 33 của BCH TƯ Đảng, Chương trình hành động số 77 của Tỉnh ủy; xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trọng tâm là xây dựng văn hóa, con người Gia Lai phát triển toàn diện. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện Nghị quyết; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: “Phải coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong đảng viên, hội viên mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng cơ chế giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội. Bảo tồn, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; phát huy các di sản văn hóa được UNESCO công nhận”./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 57

Trả lời