Tín hiệu lạc quan từ xây dựng cánh đồng lớn ở Kông Chro

Cập nhật 20/7/2017, 08:07:26

Để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương, huyện Kông Chro đã có nhiều nỗ lực, triển khai xây dựng cánh đồng lớn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bước đầu đã có nhiều tín hiệu lạc quan.

Cuối năm 2015, huyện Kông Chro khởi động triển khai mô hình cánh đồng mía lớn, trước tiên ở những vùng thuận lợi về đất đai, điều kiện đi lại. Đầu năm 2017, huyện nhân rộng mô hình này trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 22 nhóm hộ tham gia thực hiện 246 ha, vượt 46 ha so với kế hoạch. Được các ngành chức năng của huyện và Nhà máy đường An Khê hỗ trợ giống, vật tư, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất mía theo phương pháp mới, nên các hộ đã từng bước thay đổi nếp nghĩ cách làm với nhiều hy vọng kinh tế gia đình sẽ khấm khá hơn.

Ông Đinh Văn Xưởng- Thôn 1, xã Kông Yang, huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi tích cực chuẩn bị đất, phá bỏ hàng rào cho liền thửa, liền khoảnh để thuận tiện cho việc chăm sóc và sau này thu hoạch cây mía theo mô hình cánh đồng lớn. Hy vọng mô hình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân”.

Toàn huyện Kông Chro hiện có 7.500 ha mía, chiếm gần 20% diện tích đất sản xuất trên địa bàn huyện, trong đó hơn 1.500 ha áp dụng kỹ thuật canh tác theo mô hình cánh đồng lớn. Với năng suất bình quân đạt trên 70 tấn/ha, việc sản xuất mía theo mô hình này ở huyện Kông Chro mang lại hiệu quả cao. Là huyện nghèo, lâu nay việc sản xuất nông nghiệp chủ yếu manh mún, hiệu quả kinh tế thấp nên khi triển khai mô hình cánh đồng mía lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với huyện Kông Chro.

Ông Phan Văn Trung, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện đã mở rộng cánh đồng lớn trên địa bàn huyện, đặc biệt huyện chú trọng mở rộng cánh đồng mía lớn và chanh dây trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên”.

Tuy nhiên, hơn 1.500 ha mía trên địa bàn huyện Kông Chro dù được thực hiện theo mô hình cánh đồng lớn nhưng chưa được cấp có thẩm quyền công nhận thuộc mô hình này vì chưa đảm bảo một số tiêu chí bắt buộc.

Ông Võ Văn Hưng,  Trưởng phòng NN& PTNT huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện nay chưa có tổ chức đại diện nông dân như doanh nghiệp, hợp tác xã để đảm bảo tiêu chí công nhận cánh đồng lớn. Vì vậy, phòng đã tham mưu cho UBND huyện đề nghị Nhà máy đường An Khê quan tâm phối hợp với các ngành chức năng của huyện cũng như UBND các xã, thị trấn để khảo sát, xây dựng, lập các phương án để trình cho các cơ quan chức năng của tỉnh thẩm định công nhận cánh đồng mía lớn chứ hiện nay mô hình cánh đồng mía lớn ở huyện chưa được công nhận”.

Huy động nhiều nguồn lực để nhân rộng cánh đồng mía lớn, huyện Kông Chro sẽ tạo những bước đột phá để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, mở ra hướng đi mới cho nhiều gia đình trong huyện xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống./.

Hà Đức- Nhâm Dung- R’Piên- Huy Toàn


Lượt xem: 49

Trả lời