Thư viện tỉnh Gia Lai đổi mới hoạt động, đáp ứng nhu cầu đọc sách của thiếu nhi

Cập nhật 02/7/2023, 07:07:36

Xác định việc hình thành thói quen đọc sách cho thiếu nhi là nhiệm vụ quan trọng góp phần bồi đắp tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, Thư viên tỉnh Gia Lai đã chú trọng đổi mới trong tổ chức và hoạt động nhằm khơi dậy đam mê, phát triển kỹ năng đọc, kỹ năng tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi.

8 giờ sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, các em thiếu nhi và học sinh tập trung rất đông tại Thư viện tỉnh Gia Lai để tham gia chương trình “Thứ 7 năng lượng” và “Chủ nhật vui”. Tại đây, các em được tham gia chuỗi hoạt động gồm: đọc sách; tham gia các trò chơi trí tuệ, trò chơi có thưởng. Ngoài ra các em còn tự được do thể hiện năng khiếu ca hát, nhảy múa, đọc thơ…

Em Đặng Thị Anh Thư – Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Pleiku chia sẻ: “Đến Thư viên tỉnh tham gia các hoạt động em thấy rất vui, rất bổ ích.”

Trong dịp hè, mỗi ngày, Thư viện tỉnh phục vụ khoảng 200 lượt bạn đọc thiếu nhi; số thẻ cấp mới tăng gấp đôi so với tháng trước với khoảng 200 thẻ. Cùng với việc triển khai nhiều hoạt động, Thư viện còn triển khai hoạt động đọc sách theo chủ đề và giới thiệu một số đầu sách có nội dung phòng tránh xâm hại, bạo hành trẻ em, giới thiệu kỹ năng phòng- chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ.

Bà Trần Thị Hường – Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện tỉnh Gia Lai thông tin: “Nhằm thu hút bạn đọc đến thư viện chúng tôi cũng đổi mới nhiều nội dung, hoạt động, trong đó có tổ chức các buổi livestream, hướng dẫn các em thuyết trình, tập huấn các kỹ năng sống, phòng tránh tai nạn thương tích. Các em rất hào hứng.”

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng hoạt động, Thư viện tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thư viện. Đặc biệt, Thư viên tỉnh đã tổ chức cho các em thiếu nhi thu âm các đầu sách, làm podcast về những câu chuyện của cuộc sống, những kiến thức bổ ích. Chính từ sự kết hợp phương pháp đọc truyền thống và cách nghe hiện đại, đã góp hỗ trợ hiệu quả cho hành trình tiếp cận và tiếp thu tri thức của giới trẻ trên địa bàn.

Em Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc – Trường THCS Trần Phú, thành phố Pleiku nói: “Khi thu âm sách như thế này em có cơ hội tiếp cận nhiều sách hơn. Giúp chúng em không chỉ được đọc mà còn nghe nhiều kiến thức bổ ích.”

Bên cạnh đó, để rút ngắn khoảng cách thụ hưởng và phát triển văn hóa đọc giữa các vùng, Thư viện tỉnh đã thường xuyên tổ chức đưa sách, báo phục vụ lưu động ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Bằng cách tổ chức phục vụ lưu động trực tiếp và gián tiếp, sách, báo, tài liệu của Thư viện tỉnh đã có mặt khắp ở các cơ quan, đơn vị, trường học, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, đem đến nguồn giải trí và kiến thức đến các tầng lớp nhân dân.

Em Trần Thị Tú Linh – Trường THPT Phan Bội Châu, thành phố Pleiku bày sẻ: “Khi đọc sách giúp em mở ra những chân trời mới, em có thể học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm từ sách.”

Bà Nguyễn Thị Thủy – Giám đốc Thư viện tỉnh Gia Lai cho biết: “Để cung cấp thông tin đến đông đảo bạn đọc chúng tôi thường tổ chức những thư viện sách lưu động, tổ chức cuộc thi đại sư văn hóa đọc, “Giới thiệu sách trực tuyến” … Từ đó góp phần lan tỏa tình yêu sách đến đông đảo nhân dân.”

Tri thức từ sách là vô tận, nhưng tình yêu đối với sách, thói quen đọc sách không phải có thể hình thành trong ngày một ngày hai. Những hoạt động khuyến đọc, định hướng cho thiếu nhi và học sinh trong việc lựa chọn và đọc sách cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Là chủ thể trực tiếp xây dựng môi trường đọc thuận lợi, hệ thống thư viện nói chung và Thư viên tỉnh nói riêng đã thực hiện tốt vai trò khơi dậy đam mê, hình thành thói quen, xây dựng và phát triển kỹ năng đọc, kỹ năng tiếp cận và xử lý thông tin cho thiếu nhi, góp phần xây dựng thế hệ trẻ phát triển toàn diện

Nhâm Dung – Minh Trung – Huy Toàn


Lượt xem: 5

Trả lời