Thiêng liêng kỷ niệm với Bác

Cập nhật 20/5/2019, 08:05:22

Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, năm 1974 cán bộ và nhân dân xã Hà Nừng (nay là xã Sơn Lang) huyện Kbang không tiếc mồ hôi, công sức để khai thác nhiều cây gỗ trắc- loại gỗ quý hiếm tại quê hương mình để góp xây Lăng Bác- công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng.

Và câu chuyện cảm động ấy là kỷ niệm thiêng liêng của cán bộ, nhân dân vùng căn cứ cách mạng Sơn Lang với Bác được lan truyền qua năm tháng không thể phai mờ.Và hôm nay, nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta hãy cùng đến với Sơn Lang để nghe những người trong cuộc kể lại câu chuyện cảm động này.

Mỗi khi nhắc đến câu chuyện góp gỗ trắc để xây Lăng Bác Hồ kính yêu diễn ra cách đây 45 năm, cán bộ và nhân dân xã Sơn Lang, huyện Kbang đều rất cảm động và tự hào. Tại những gốc cây trắc năm xưa đã đốn, mọc lên nhiều cây con lớn dần theo năm tháng như tấm lòng và tình cảm của cán bộ, nhân dân Sơn Lang đối với Bác càng được vun đắp, đong đầy.

Năm 1974, ông Đinh Văn Đoàn làm Bí thư xã Đoàn Hà Nừng (nay là xã Sơn Lang) là một trong những thành viên nòng cốt trong đội hình khai thác gỗ trắc để góp xây Lăng Bác. Năm ấy, khi nghe tin có chủ trương của Đảng, cán bộ và nhân dân xã Sơn Lang rất hồ hởi, hăng hái tham gia khai thác gỗ trắc để xây Lăng Bác. Dưới sự chỉ huy của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, hàng trăm người già, thanh niên, phụ nữ ở xã Sơn Lang, mỗi người một việc đồng lòng chung sức khai thác gỗ trắc. Ròng rã suốt cả tháng ăn ở tại rừng trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn và máy bay địch thường xuyên oanh tạc, đánh phá nhưng cán bộ và nhân dân xã Sơn Lang đã hoàn thành việc khai thác và kéo nhiều cây gỗ trắc đưa đến điểm tập kết để xe vận chuyển ra Hà Nội góp xây Lăng Bác theo đúng kế hoạch.

Ông Đinh Văn Đoàn- Xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai nhớ lại: “Hồi đó, những người già thì đốn cây gỗ, thanh niên khỏe mạnh thì kéo gỗ, còn phụ nữ thì lo cơm nước. Khai thác gỗ khi đó chủ yếu làm bằng thủ công, chỉ dùng rựa, rìu, búa, dây thừng và sức người, không có phương tiện cơ giới. Dân làng phải lội suối, băng rừng tìm cây gỗ trắc, sau đó đốn rồi đẽo vương vức, thẳng tắp. Khi ấy không thể kể hết những khó khăn, vất vả nhưng ai nấy cũng vui vì làm một việc vô cùng ý nghĩa đối với Bác”.

Ông Đinh Lực, Xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai cũng nói: “Một khúc gỗ trắc phải 30 đến 40 người kéo. Mỗi khúc dài khoảng 4m, đường kính 60cm, được đẽo vuông vức; kéo từ rừng ra, không phải đường bằng phẳng như bây giờ đâu”.

 Dân làng Sơn Lang luôn cố gắng bảo vệ những cây con được mọc lên từ những gốc cây trắc năm xưa để mãi khắc ghi kỷ niệm thiêng liêng với Bác, đồng thời để giáo dục và phát huy truyền thống đến mai sau.

Ông Đinh Văn Tư- Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Cán bộ, nhân dân xã Hà Nừng trước đây, Sơn Lang ngày nay luôn phấn đấu giữ vững tinh thần đoàn kết, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong học tập, công tác, lao động sản xuất và trong xây dựng nông thôn mới”.

Luôn một lòng theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, cán bộ, nhân dân xã Sơn Lang trong kháng chiến đã anh dũng, kiên cường đấu tranh chống quân thù và bước sang giai đoạn cách mạng mới luôn kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, cùng với tranh thủ sự quan tâm, đầu tư của các cấp để kiến thiết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Với tinh thần và quyết tâm ấy, tin rằng cuối năm 2019 Sơn Lang sẽ về đích xây dựng nông thôn mới như kế hoạch đã đề ra. Đó cũng là món quý giá đối với Bác Hồ kính yêu./.

 Hà Đức,  Xuân Huy           

 


Lượt xem: 34

Trả lời