PV Bà Đào Thị Thu Nguyệt – Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai.

Cập nhật 09/4/2017, 05:04:40

Con số được thống kê từ các ngành như Y tế, Công thương  khiến không ít người phải giật mình, đó là 95% số người sử dụng rượu thường uống rượu tự nấu và hơn 90% thích uống rượu tự nấu vì giá rẻ. Có một thực tế là rượu tự nấu hiện chiếm hơn 80% lượng rượu tiêu thụ trong nước, tương đương khoảng từ 200 – 250 triệu lít/năm và con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu thụ của loại rượu này hiện vẫn còn thiếu chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc cho người sử dụng.

Thiết nghĩ trong “ma trận” rượu giả, rượu thật lẫn lộn như hiện nay, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng. Có như vậy mới hy vọng hạn chế và tiến tới chấm dứt được tình trạng ngộ độc rượu như hiện nay. Liên quan đến vấn đề này  PV Đài PT-TH Gia Lai có cuộc trao đổi với bà Đào Thị Thu Nguyệt – Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi.

PV: Thưa bà, đối với việc sản xuất kinh doanh rượu thì thực tế thời gian gần đây cũng đã xảy ra không ít vụ ngộ độc. Đối với Gia Lai, công tác thanh kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này trong thời gian tới sẽ như thế nào? 

Bà Đào Thị Thu Nguyệt: Vừa rồi thì cũng đã chỉ đạo Chi cục QLTT xây dựng kế hoạch đi kiểm tra xuống các đội và từ các đội kết hợp với các phòng Kinh tế, Kinh tế-Hạ tầng kiểm tra các cơ sở, chủ yếu là các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh tạp hóa. Trước mắt thì đang triển khai in các tờ rơi và để cho các hộ kinh doanh cam kết không kinh doanh rượu kém chất lượng, rượu không rõ nguồn gốc.

PV: Đối với việc quản lý cũng như các quy định về quản lý và tiêu chuẩn của sản xuất rượu tự nấu thì dường như vẫn còn bỏ ngõ. Về vấn đề này, bà có ý kiến gì?

Bà Đào Thị Thu Nguyệt: Mình không thể nào mà đi kiểm tra được từng hộ gia đình. Thì như nãy tôi đã nói đó là các phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng thì chỉ mời các cơ sở sản xuất rượu lên cam kết; còn có 1 số hộ gia đình họ tự nấu, tự pha chế thì cái đó mình cũng không thể nào kiểm tra  trong các hộ gia đình này được.

PV: Vậy thì để quản lý mặt hàng này tốt hơn, ngành Công thương sẽ có những giải pháp cụ thể gì?

Bà Đào Thị Thu Nguyệt: Đối với Sở thì thực hiện các văn bản chỉ đạo, nhất là của UBND tỉnh, sau đó là Bộ Công thương và Cục QLTT. Các văn bản đó trong quá trình làm thì có thể vướng, có thể chồng chéo nhưng để đạt hiệu quả công việc thì phải phối hợp với các ngành chức năng nữa như KHCN, Y tế để cùng nhau giải quyết vấn đề.

PV: Vâng, một lần nữa xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 166

Trả lời