Phỏng vấn: Ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD&ĐT Gia Lai trong năm học 2013-2014

Cập nhật 03/9/2013, 09:09:26

Năm học 2013-2014, quy mô trường lớp và học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục tăng so với năm học trước. Cả tỉnh có 791 trường học với gần 368.700 học sinh từ bậc mầm non đến THPT, trong đó có 5 trường mới được thành lập. Phát huy những kết quả đạt được trong năm học qua và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác giáo dục của một tỉnh miền núi Tây Nguyên, ngành giáo dục-đào tạo Gia Lai đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá trong năm học 2013-2014. Xung quanh thông tin trên và một số nét mới trong công tác giáo dục dân tộc, trước thềm khai giảng năm học mới PV Thiên Thanh đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Ngọc Thạch-Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai. 

 

PV: Thưa ông, thực hiện chỉ thị năm học 2013-2014 của Bộ giáo dục và đào tạo và UBND tỉnh Gia Lai, ông có thể cho biết những nhiệm vụ và mục tiêu trọng tâm của ngành giáo dục Gia Lai trong năm học này. Gia Lai xác định khâu đột phá nào trong công tác quản lý, dạy và học?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Năm học 2013-2014 có 4 nhiệm vụ trọng điểm : Tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục-đào tạo trên địa bàn tỉnh. Theo đó tăng cường thực hiện 2 khâu đột phá đó là quản lý chặt việc dạy thêm học thêm, thực hiện tốt công tác thu chi tài chính trong nhà trường; tránh tình trạng lạm thu, Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của học sinh; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, Tăng cường cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ sự nghiệp giáo dục. Trong năm nay, Ngành giáo dục tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm và đột phá là Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của học sinh bởi chất lượng học tập trên địa bàn tỉnh không đồng đều. Để nâng cao chất lượng và rút ngắn khoảng cách, ngành giáo dục tỉnh thực hiện việc điều động huy động sự hỗ trợ giáo viên có kinh nghiệm vùng thuận lợi đối với vùng khó khăn để nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường đầu tư CSVC, thiết bị cho trường vùng khó, huy động XHH trong việc dạy thêm trong trường ở vùng sâu vùng xa, ngoài điều kiện đóng góp của học sinh còn huy động các nguồn lực ngoài xã hội để nhà trường tổ chức ôn tập thêm, ngoại khóa cho học sinh, thực hiện tốt các chế độ chính sách của Chính phủ, Bộ GD đối với các mô hình trường nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai.  

PV: Được biết, trong năm học mới 2013-2014 Gia Lai thành lập thêm một số trường Phổ thông dân tộc tại huyện Phú Thiện và Chư Pưh. Như vậy, những học sinh dân tộc thiểu số ở những đơn vị, địa phương này sẽ được thụ hưởng những chế độ, chính sách nào?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Chính phủ đã ra quyết định về chế độ chính sách cho học sinh học ở các trường bán trú. Theo đó học sinh bán trú được hưởng 40% mức lương tối thiểu, ngoài ra những em ở xa có cự ly trên 7km được hỗ trợ tiền lưu trú, tiền trọ theo mức 10% lương tối thiểu. Riêng học sinh bậc THPT nếu không được học ở trường PTDT nội trú của tỉnh, các em thuộc diện khó khăn cũng được hưởng các chế độ chính sách như học sinh bán trú bậc THCS, tiểu học. Trên địa bàn tỉnh sẽ có bộ phận không nhỏ số em được hưởng chính sách này. 

PV: Thưa ông, để tránh tình trạng lạm thu của một số trường học vào đầu năm học mới, gây sức ép và khó khăn đối với phụ huynh học sinh, ngành giáo dục đã có những giải pháp như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Thạch: Để ngăn chặn tình trạng lạm thu trong nhà trường chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trường trực thuộc thực hiện nghiêm quy định nhà nước, đó là thông tư 55 của Bộ GD-ĐT. Trước đây chưa có thông tư này các trường thông quy hội phụ huynh học sinh để huy động, mang tính bình quân, tạo sức ép đối với phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, gây dư luận không tốt, đồng thời sử dụng cái này không đúng mục đích. Thông tư này quy định Phụ huynh chỉ được thu các khoản phục vụ cho hoạt động của hội, việc thu hỗ trợ XHH trong xây dựng CSVC trong khi ngân sách nhà nước còn khó khăn nhà nước không cấm tuy nhiên nhà trường, hiệu trưởng đứng ra tổ chức thu cái này, dự trù mua sắm cái gì và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra chúng tôi cũng đã tập huấn cho chủ tài khoản, hiệu trưởng các trường và đơn vị trực thuộc về huy động thu chi và trách nhiệm của hiệu trưởng đối với những khoản này. Hy vọng sẽ chấn chỉnh một bước tình trạng lạm thu trong nhà trường.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.

 

Thiên Thanh-Thanh Sáng


Lượt xem: 264

Trả lời