Phòng chống dịch bệnh trong trường học

Cập nhật 30/10/2020, 08:10:01

Thời tiết thay đổi thất thường sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh lây nhiễm, đặc biệt là đối với trẻ mầm non nếu như không được bảo vệ tốt, khả năng mắc bệnh lại càng cao hơn với các bệnh nhiễm trùng, tay chân miệng, các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp… Môi trường học đường tập trung nhiều học sinh nên có thể thành môi trường thuận lợi để các dịch bệnh phát sinh và lây lan nếu không triển khai triệt để các biện pháp phòng bệnh, cũng như kiểm soát tốt tình hình sức khỏe học sinh. Vì vậy việc chủ động phòng chống bệnh cho học sinh được các trường mầm non tăng cường thông qua nhiều hình thức.

Trường Mẫu giáo Đăk Sơ Mei ở xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa có gần 400 học sinh, trong đó đa phần là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Với đặc thù của 1 trường vùng sâu vùng xa, phụ huynh chưa chú ý nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe cho con em mình do đó công tác tuyên truyền, hướng dẫn các bậc phụ huynh cách phòng bệnh cho trẻ phải được quan tâm thường xuyên.

Chị Siu Yến – làng Tul, xã Đăk Sơ Mei, huyện Đak Đoa cho biết: “Giáo viên ở đây thường phối hợp với phụ huynh tuyên truyền, cô giáo hướng dẫn cho phụ huynh dặn các em mặc áo sạch sẽ, rửa tay, chân, đến trường gọn gàng để phòng bệnh, nhất là mùa này thường bệnh sốt, phải giữ sức khỏe vệ sinh cá nhân”.

Cô Phạm Thị Quý – Phó Hiệu trưởng  phụ trách Trường Mẫu giáo Đak Sơ Mei, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa cũng cho biết: “Với trường vùng 3 công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ còn gặp nhiều khó khăn, phụ huynh người đồng bào chưa nắm bắt được cách phòng bệnh cho con theo mùa, bổ sung dinh dưỡng cho con. Nhà trường phải có kế hoạch tuyên truyền theo từng lớp, từng thôn làng. Ví dụ khi có dịch covid, vừa rồi có dịch bạch hầu, hiện có dịch sốt xuất huyết nhà trường thực hiện công tác vệ sinh tại lớp học, trường học tuyên truyền cho phụ huynh công tác phòng như thế nào như vệ sinh môi trường, cho trẻ ăn chín uống sôi”.

Việc dạy trẻ kỹ năng sống để đối phó các bệnh trong mùa dịch như cách vệ sinh đôi tay, sử dụng khẩu trang, giữ vệ sinh môi trường…cũng được các trường mầm non chú trọng. Dù những kỹ năng này khá đơn giản, nhưng chúng lại có vai trò rất quan trọng, không những chỉ trong mùa dịch mà còn trong cả quá trình sống của trẻ, giúp trẻ hình thành ý thức bảo vệ sức khỏe, cũng như sự an toàn cho bản thân và cả cộng đồng.

Bé Đoàn Nguyên Đức – Trường Mầm non Hoa Hồng,  thành phố Pleiku nói: “Cô dạy con phải rửa tay thường xuyên trước khi ăn cơm và sau khi đi vệ sinh. Để phòng bệnh con phải rửa tay, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài”.

Cô Phạm Thị Kim Thương – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Pleiku cho biết: “Hiện nay thời tiết đang giao mùa trẻ rất dễ gặp các bệnh cảm cúm, tay chân miệng. Nhà trường đã trang bị tủ hấp khăn, tủ sấy chén, hướng dẫn giáo viên thường xuyên tăng cường các hoạt động thể lực cho trẻ, xây dựng thực ăn thay đổi theo mùa để phù hợp cho trẻ. Đặc biệt nhà trường tổng vệ sinh trường lớp, bếp ăn bán trú vào thứ 6 hàng tuần bằng các dung dịch sát khuẩn”.

Hiện tại nhiều địa phương ở Gia Lai đang đối diện với cao điểm dịch sốt xuất huyết, thời gian qua một số huyện có xuất hiện các ổ dịch bạch hầu. Trong khi đó trường học lại là nơi rất dễ phát sinh dịch bệnh, vì vậy việc chủ động các biện pháp phòng bệnh trong trường học là điều quan trọng và hết sức cần thiết nhằm tạo lập một môi trường học đường an toàn cho trẻ./.

Kim Châu – Huy Toàn – Duy Linh


Lượt xem: 53

Trả lời