Những vấn đề đặt ra để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Gia Lai

Cập nhật 21/4/2018, 09:04:26

Làm thế nào để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh hiện có của Gia Lai và những vấn đề đặt ra cho Gia Lai trong công tác thu hút đầu tư, đó là những nội dung được đề cập tại Chương trình Hội thảo đánh giá tiềm năng, lợi thế và triển vọng phát triển các ngành kinh tế Gia Lai trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trong hội nhập và thu hút đầu tư diễn ra vào sáng nay 20.4 tại thành phố Pleiku. Đây là một trong những nội dung của đề tài “Xây dựng chiến lượng thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đề xuất các giải pháp nhằm kêu gọi nguồn vốn chất lượng cao vào các dự án trọng điểm của Gia Lai” do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp thực hiện.

Nhiều vấn đề mấu chốt của tỉnh Gia Lai hiện nay để khai thác các tiềm năng thế mạnh ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và du lịch… đã được đề cập trong bài tham luận của các nhà khoa học, nhà chuyên môn của trường Đại học Tôn Đức Thắng và tỉnh Gia Lai được trình bày tại hội thảo. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù là địa phương giàu tiềm năng, thế nhưng nền nông nghiệp của Gia Lai được đánh giá là lạc hậu. Khắc phục hạn chế này, PGS.TS Phạm Viết Hồng, trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ các trang trại là hướng phát triển mà Gia Lai cần phải hướng đến. Chính các trang trại là những hạt nhân kích hoạt để đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trở nên phổ biến hơn.

PGS.TS Phạm Viết Hồng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nêu: “Chính các trang trại là những người để mở đầu cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bởi vì họ có quy mô đất cho ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong quy mô nhỏ và có nguồn vốn nhất định. Tuy nhiên họ gặp khó khăn rất lớn trong tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao, đó là tiếp cận về kỹ thuật, quy trình sản xuất. Theo tôi, tỉnh phải đứng ra kết hợp với các chính sách để lập ra khu ứng dụng công nghệ cao và làm bà đỡ về kỹ thuật. Nếu làm được việc này, chúng ta tập hợp các trang trại có nguyện vọng, tâm huyết ứng dụng công nghệ cao để hướng dẫn cách thức, quy trình từ khâu lựa chọn nông sản đến quy trình sản xuất, bảo quản chế biến và làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm”.

Để hỗ trợ công tác thu hút đầu tư, thời gian qua tỉnh Gia Lai đã thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này thể hiện qua kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh Gia Lai năm 2017 tăng 3 bậc so với năm 2016, xếp thứ 43.64 tỉnh, thành và xếp thứ 3 khu vực Tây Nguyên. Đây cũng là nội dung tham luận của Tiến sĩ Phùng Minh Tuấn – Đại học Tôn Đức Thắng với một số đề xuất tăng PCI tỉnh Gia Lai trong thời gian tới:

Ông nói: “Trong bài tham luận của mình, tôi đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó có một đề xuất quan trọng là Gia Lai nên thành lập một ban chuyên trách về PCI. Việc thành lập ban này sẽ giúp đánh giá được các chỉ số thành phần để hình thành PCI. Từng khía cạnh nhỏ như vậy sẽ giúp cho PCI Gia Lai tăng. Trong nhiều chỉ số thành phần, chúng ta chia nhỏ từng chỉ số thành phần giao về cho các sở, ban, ngành, địa phương để từng bước tăng dần các chỉ số. Như vậy tin rằng trong những năm tiếp theo PCI của Gia Lai sẽ tiếp tục tăng”.

Từ những tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà chuyên môn được trình bày tại hội thảo là cơ sở quan trọng để Gia Lai hoạch định các chính sách về thu hút đầu tư, khai thác các tiềm năng thế mạnh, đồng thời là cơ sở khoa học để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng mục tiêu đầu tư phù hợp tại Gia Lai.

Hồng Uyên, Thanh Sáng


Lượt xem: 43

Trả lời