Những giải pháp căn cơ sau sự cố môi trường tại huyện Ia Pa

Cập nhật 22/12/2017, 16:12:38

Sau hơn nửa tháng để xảy ra sự cố nước thải rò rỉ ra môi trường ảnh hưởng đến 21ha lúa của người dân thôn Chư Gu, xã Pờ Tó. Hiện tại, Nhà máy tinh bột sắn Ia Pa và chính quyền địa phương đã phối hợp triển khai các giải pháp khắc phục. Tuy vậy, vấn đề được nhiều người đặt ra là phải xử lý khu vực môi trường đã bị ảnh hưởng ra sao, về lâu dài nhà máy có để tái diễn sự cố và đảm bảo xả thải đúng theo quy định.

Sau nhiều đợt mưa lớn 1 trong 2 hồ chứa nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Ia Pa đã bị vỡ tràn ra ngoài gây nên sự cố rò rỉ nước thải ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với 21ha sản xuất lúa nước của bà con.

Chính quyền huyện Ia Pa đã thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với nhà máy tinh bột sắn tiến hành lấy mẫu nước thải tại khu vực suối Pờ Dầu và trên đồng ruộng để phân tích, đánh giá kiểm tra độ pH của đất. Hiện tại, để kịp thời gian xuống giống vụ Đông Xuân bà con nông dân đang cho nước vào ruộng rồi xả ra để rửa đất, còn năng suất, chất lượng lúa sau này như thế nào là điều bà con đang rất lo lắng.

Ông Lê Văn Kiêm, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai nói: “Ruộng đất không thể nào bỏ được, giờ chỉ lo xạ xuống mà lúa mọc không đều, chỗ mọc chỗ không, sản lượng thì không có lại tốn công, tốn sức thì rất khổ. Mong nhà máy có sự hỗ trợ nào đó cho người dân”.

Về phía nhà máy tinh bột sắn Ia Pa hiện tại đã cho ngừng hoạt động, tiến hành cải tạo, tu bổ lại toàn bộ hệ thống hồ chứa nước thải, đồng thời khắc phục sự cố rò rỉ đường ống tại 3 hố gas giảm áp. Riêng đối với diện tích ruộng lúa bị ảnh hưởng, nhà máy đang phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá sản lượng tiến hành bồi thường thiệt hại cho bà con, đồng thời tìm ra những giải pháp tốt nhất cho việc xử lý khu vực đã bị ô nhiễm.

Ông Huỳnh Văn Trung – Tổng GĐ Công ty CPNSTP Việt Nam cho biết: “Rút kinh nghiệm sự cố, chúng tôi sẽ khắc phục lại đoạn từ nhà máy tới đầu ra khu xả thải sẽ làm lại toàn bộ bằng bê tông, đổ chân nền tại các hồ. Chúng tôi đã làm thành công ở các nhà máy khác, người dân và chính quyền yên tâm chúng tôi hứa là sẽ phát triển một cách bền vững”.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Trung, nước thải của nhà máy hiện tại khoảng 3.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, qua kết quả quan trắc giám sát đợt I năm 2017 thì một số chỉ tiêu phân tích nước thải vượt quy chuẩn cho phép khi xả thải ra khu vực suối Pờ Dầu.

Vì vậy, bên cạnh khắc phục sự cố đã xảy ra thì việc đầu tư, cải tạo, vận hành đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường là vấn đề cấp thiết hiện nay. Bởi ngoài sản xuất thì nguồn nước suối Pờ Dầu còn phục vụ sinh hoạt cho bà con nơi đây.

Ông Huỳnh Vĩnh Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, Gia Lai khẳng định: “Một quan điểm duy nhất là không phát triển kinh tế đánh đổi môi trường. Qua sự cố lần này chúng tôi sẽ chỉ đạo cho các cấp sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn với nhà máy để đảm bảo sự phát triển không gây ảnh hưởng đến môi trường”.

Sự cố vừa qua là một bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường tại huyện Ia Pa. Về lâu dài giữa nhà máy với chính quyền địa phương cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động để đảm bảo hài hòa giữa môi trường và lợi ích kinh doanh.

 Kim Ngân – Hữu Lanh – Mạnh Hà


Lượt xem: 65

Trả lời