Những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Trung Thành đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân

Cập nhật 11/4/2024, 16:04:35

Tham gia cách mạng từ khi tuổi 16 và dành trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta, đồng chí Võ Trung Thành – nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ các tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Nghĩa Bình đã để lại những dấu ấn đặc biệt ở những nơi đồng chí thực hiện nhiệm vụ được Trung ương Đảng tin tưởng giao phó. Tại Gia Lai, trong những giai đoạn được Trung ương giao giữ những trọng trách quan trọng, nhất là với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đồng chí Võ Trung Thành đã có nhiều cống hiến to lớn, góp phần đưa phong trào cách mạng của tỉnh đi đến thành công.

Là một trong 134 cán bộ được Trung ương phân công tiếp tục ở lại Gia Lai để bám nắm địa bàn, duy trì liên lạc với cách mạng và xây dựng lực lượng trong vùng địch hậu sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí Võ Trung Thành giữ vai trò là Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai và đến tháng 5 năm 1955 thì giữ trọng trách Bí thư Tỉnh uỷ. Đây là giai đoạn phong trào cách mạng gặp rất nhiều khó khăn, địch thực hiện nhiều thủ đoạn vô cùng độc ác nhằm phá hoại Hiệp định Giơnevơ, khước từ hiệp thương, tổng tuyển cử. Song, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Võ Trung Thành, các cán bộ ở lại của tỉnh đã tích cực bám nắm địa bàn, tuyên truyền vận động Nhân dân, gây dựng cơ sở cách mạng.

Thạc sĩ Phan Thị Nga – Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong thời kỳ đầu của kháng chiến chống Mỹ tại Gia Lai thì đồng chí Võ Trung Thành với vai trò là Bí thư Tỉnh uỷ đã có nhiều sáng kiến lãnh đạo phong trào, từng bước tiến lên một cách vững chắc. Tuy có khó khăn, nhưng ở Gia Lai không có giai đoạn thoái trào. Đồng chí Võ Trung Thành đã sớm đề xuất chủ trương liên tiếp 2 lần vận động xây dựng đảng và các cuộc vận động nhằm nâng cao giác ngộ ý thức dân tộc, tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ. Từ đó, Gia Lai đã phát động được các phong trào rộng lớn mang tính quần chúng rộng rãi như là thanh niên hăng hái tham gia kháng chiến, phong trào học văn hoá, diễn văn nghệ, dùng thuốc nam để chữa bệnh.”

Những dấu ấn về sự đóng góp to lớn của đồng chí Võ Trung Thành đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân Gia Lai còn phải kể đến sáng kiến của đồng chí trong việc chỉ đạo thực hiện đường lối chiến tranh Nhân dân; phát động phong trào “Nhân dân làm chủ núi rừng” và toàn dân tham gia đánh địch; kết hợp chặt chẽ đấu tranh bằng “2 chân, 3 mũi giáp công” gồm: Đấu tranh chính trị, công tác binh tề vận với đấu tranh vũ trang. Đặc biệt là vai trò của đồng chí trong việc tham gia chỉ đạo chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Thạc sĩ Phan Thị Nga – Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai trao đổi: “Mặc dù trong cuộc Tổng tiến công này ta tổn thất khá nặng nề, song chiến dịch ở tỉnh đã nổ ra theo đúng kế hoạch, đưa chiến tranh vào tận hang ổ kẻ thù và loại khỏi vòng chiến đấu 3.500 tên địch (trong đó có 1.300 lính Mỹ); phá hủy 580 xe quân sự, 35 khẩu pháo, đốt cháy hàng triệu lít xăng của địch; giải phóng 18 ngàn dân, vận động 247 binh lính địch đào, rã ngũ; lập chính quyền thôn, xã ở vùng mới giải phóng. Thắng lợi này của quân và dân Gia Lai do Bí thư Võ Trung Thành đứng đầu, đã góp phần tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, buộc địch phải mở đầu quá trình xuống thang chiến tranh.”

Tháng 5/1969, Trung ương điều động đồng chí Võ Trung Thành trở về làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, sau đó tham gia chỉ đạo chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và cả Tây Nguyên. Hòa bình lập lại, tháng 9/1975, đồng chí giữ nhiệm vụ là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai – Kon Tum, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (1982), đồng chí Võ Trung Thành được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình và giữ chức vụ này đến lúc qua đời vì bệnh hiểm nghèo.

Những cống hiến của đồng chí Võ Trung Thành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (2 lần), Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Ba. Để ghi nhớ những cống hiến to lớn  của đồng chí, tại thành phố Pleiku, Gia Lai và tại các tỉnh: Đắk Lắk, Quảng Ngãi hiện đã có những con đường được mang tên người chiến sĩ cách mạng kiên trung – Võ Trung Thành.

Ngọc Hà – Phi Long


Lượt xem: 2

Trả lời