Những “báu vật nhân văn sống” ở Gia Lai

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:42

“Dòng sông văn hóa” Việt Nam không ngừng tuôn chảy, tiếp biến, phát triển cùng thời gian; ở đó ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp lớn lao của nhiều người luôn nặng lòng với văn hóa dân tộc. Được xem là những “báu vật nhân văn sống”, các nghệ nhân ở lĩnh vực di sản phi vật thể đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc lưu giữ cũng như trao truyền các giá trị văn hóa. Ðã có nhiều câu chuyện kể về những nghệ nhân tâm huyết với nghề, trải dài theo thời gian, để rồi làm nên một lớp người sáng tạo và cống hiến, hy sinh hết mình vì truyền thống văn hóa của dân tộc. Họ chính là mạch nguồn lưu truyền những giá trị văn hóa dân gian qua các thế hệ. Trong không khí của mùa xuân mới, mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu câu chuyện về những nghệ nhân đặc biệt này.

Vốn là người tài hoa, mỗi khi vui hay buồn, nghệ nhân Siu Múk đều cất lên tiếng hát với tâm trạng, cảm xúc chân thật, giản dị như chính con người mình. Giữa không gian khoáng đạt, tiếng hát của nghệ nhân Siu Múk càng ngân nga, vang vọng, hoà điệu cùng tiếng đàn Goong dìu dặt, tạo nên một âm điệu thảnh thơi như gió, như mây… Lời ca tự sự về cuộc sống, về tình người, tiếp biến qua các thế hệ đã được ông thể hiện đầy tình cảm, mang đến cho người nghe cảm nhận về âm nhạc dân gian với những cung bậc cảm xúc đặc biệt.

Nghệ nhân Siu Múk – Buôn Muk, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa tự hào cho biết: “Những làn điệu dân ca này tôi được cha mẹ truyền dạy lại. Tôi cũng học chế tác đàn Goong và có thể chơi thành thạo nhiều bài hát. Tôi nghĩ mỗi người đều có thể đóng góp công sức để giữ gìn văn hóa bằng những cách khác nhau, đặc biệt thế hệ sau này càng cần phải giữ gìn văn hóa”.

Em Râm- Buôn Muk, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa vui vẻ nói: “Em rất thích nghe ông hát dân ca. Em sẽ cố gắng học để giữ gìn văn hóa của dân tộc mình”.

Còn đối với nghệ nhân Đinh Yie được nhiều người biết đến với khả năng kể hơmon (sử thi). Dù đã qua 86 mùa trăng, nhưng ông vẫn nhớ như in những bài hơmon do các thế hệ trước truyền lại. Từng là cán bộ xã nên ông càng hiểu rõ chỉ có sự trao truyền giữa các thế hệ mới giúp giữ lại những giá trị quý báu mà ông bà để lại. Chính vì vậy, ông thường xuyên tập hợp bà con trong làng đến nhà mình để nghe ông kể hơmon, để cùng nhớ lại những câu chuyện xưa cũ. Trong ánh lửa bập bùng, tiếng kể hơmon đầy ngân vang, trầm bổng như mang cả chứng tích của thời gian được cất lên khiến người nghe như lạc vào một thế giới huyền hoặc, như tiếng xưa vọng về; như được gặp gỡ, sống lại truyền thống của thế hệ cha ông.

Nghệ nhân Đinh Yie – Xã Ya Hội, huyện Đak Pơ chia sẻ: “Kể liên tục bài hơmon phải hát 4-5 đêm mới hết được. Trong lòng mình mong muốn thế hệ trẻ phải học hỏi để nhớ lại ngày xưa”.

Anh Đinh Hiếu – Xã Ya Hội, huyện Đak Pơ cũng nói: “Sau khi tôi nghe kể thì tôi rất thích và cảm xúc những câu chuyện ngày xưa mà ông kể. Tôi mong sau này ông sẽ truyền đạt lại được cho con cháu sau này và con cháu sẽ phát huy và giữ bản sắc”.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai có tổng cộng 32 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và còn rất nhiều cá nhân có nhiều cống hiến trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa. Những giá trị văn hóa của dân tộc luôn được lưu giữ  trong tâm thức và trí nhớ của những con người tài hoa ấy. Để rồi chính họ lại gắn bó cuộc đời với sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản, đưa văn hóa dân gian được lan tỏa sâu rộng. Từng câu chuyện, từng câu hát được truyền dạy mộc mạc nối tiếp qua các thế hệ. Nguồn mạch văn hóa ấy cứ được tiếp nối, trao truyền một cách rất tự nhiên.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuệ -Trưởng phòng Quản lý di sản-Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Các nghệ nhân có những đóng góp quan trọng đối với việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc. Cần phải có những chính sách để luôn trân trọng, phát huy vai trò của các nghệ nhân đối với công tác bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc”.

Theo dòng chảy của thời gian, cuộc sống ngày càng hiện đại, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trong hành trình bảo tồn và lưu truyền văn hóa, những nghệ nhân như những truyền nhân, những “cây đa” của buôn làng đang ngày đêm miệt mài trao truyền văn hóa cho thế hệ trẻ. Sự dày công và tâm huyết của họ góp phần tạo nên một mạch nguồn tuôn mãi của dòng chảy văn hóa từ truyền thống đến hiện tại và tương lai.

Với họ – những “Báu vật nhân văn sống” buôn làng là máu thịt.

Với buôn làng – họ chính là linh hồn…/.

Nhâm Dung,  Minh Trung


Lượt xem: 3

Trả lời