Người dân làng Jong chung tay  giáo dục mầm non

Cập nhật 14/9/2016, 08:09:12

Khi chuyển sang mô hình học bán trú, một số trường mầm non ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh  đang đứng trước những thiếu thốn về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bằng sự chung sức đồng lòng của người dân, người góp công, người góp của, những khó khăn đó dần dần được khắc phục. Câu chuyện sau được chúng tôi ghi lại tại các điểm trường làng thuộc trường mầm non A Dơk, huyện Đak Đoa.

13-9-danlang

Những ngày đầu năm học 2016 – 2017, khi các điểm trường làng thuộc trường mầm non xã A Dơk, huyện Đak Đoa chuyển sang mô hình học bán trú, những người dân trong lòng Jong, xã A Dơk nhận thấy những khó khăn của điểm trường làng mình – nơi con cháu họ đang theo học, nhất là chỗ nghỉ trưa cho các cháu. Vậy là cả làng đều chung sức, người góp cây, người góp ngày công để cùng nhau đóng nên những chiếc sạp. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của từng người, vì họ biết rằng không gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy con, cháu của mình có những buổi trưa ngon giấc khi vào học bán trú tại đây.

Ông Sưun, Làng Jong, xã A Dơk, Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Mình có cháu học ở đây, sợ buổi trưa cháu không ngủ được nên mình góp cây tre đóng giường cho cháu ngủ trưa. Trước đây không có làm như vậy, mới đây các cô giáo đi vận động, mình thấy đúng nên mình làm…”

Ngoài ra, nhằm tạo cho các cháu có một chỗ vui chơi trong những giờ giải lao, những người dân trong làng cũng đã đóng góp tiền của và nhân công để làm sân bê tông, tường rào. Điều đáng nói, làng Jong là một trong những ngôi làng nghèo nhất của xã A Dơk với tỉ lệ hộ nghèo chiếm 85%. Bên cạnh đó, nguồn nước cho các cháu sinh hoạt ở điểm trường cũng được một số hộ dân gần điểm trường tự giác cung cấp mà không đòi hỏi bất kì một đồng tiền điện nào.

Cô Đỗ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non A Dơk, Đak Đoa, Gia Lai cho biết:  “Trong quá trình đi vận động sự đóng góp của người dân trong làng, chúng tôi rất may mắn là nhận được sự đồng tình của người dân. Có thể nói đây là một ngôi làng còn khá nghèo nhưng để con em họ được học cái chữ thì họ luôn có những sự đóng góp nhất định trong khả năng có thể…”

Sự đóng góp của người dân làng Jong dù ít dù nhiều, thì đó cũng là nguồn động lực to lớn để các cô giáo mầm non ở đây nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục tại địa phương.

Cô Trần Thị Thúy, Trường Mầm non A Dơk, Đak Đoa, Gia Lai chia sẻ “Tôi được luân chuyển công tác về đây được 4 năm. Ngày đầu về thì trường lớp sơ sài lắm, các cháu cũng chẳng có chỗ vui chơi, sau được sự đóng góp của người dân trong làng thì cũng đã đỡ hơn khá nhiều. Điều đó đã làm cho tôi yên tâm công tác hơn và gắn bó với nghề hơn”.

Những trò chơi, những nụ cười của các cháu học sinh mầm non ở đây chắc hẳn cũng là niềm vui của những người làm cha, làm mẹ ở làng Jong. Vì họ biết rằng mình cũng đã có những đóng góp nhất định để nuôi dưỡng cho đám con trẻ  của làng./.

Quốc Linh, Viễn Khánh


Lượt xem: 158

Trả lời