Cần có giải pháp bền vững để người dân chủ động tham gia BHYT

Cập nhật 08/5/2024, 09:05:28

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT để phòng lúc rủi ro, đau ốm phải nằm viện điều trị dài ngày, tuy nhiên tỷ lệ người dân tham gia BHYT, nhất là người đồng bào DTTS tại tỉnh Gia Lai vẫn chưa thật sự bền vững. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn toàn tỉnh mà nhiều người dân bị thiệt thòi trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Năm 2023, người dân của làng Nha Prông, xã Chư Á, Tp. Pleiku tham gia BHYT đạt trên 90% thì đến thời điểm này đạt tỷ lệ rất thấp. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu vẫn là do thu nhập bấp bênh dẫn đến người dân không có khả năng mua BHYT.

Chị H’Hoa – Làng Nha Prông, xã Chư Á, TP. Pleiku chia sẻ: “Nhà có 4 người, bé đi học lớp 6 có BHYT, còn 3 người chưa có.Tiền nhiều chứ, do nhà mình không có tiền mua, khó khăn lắm á. Mình có bảo hiểm thì tiền ít, mình không có bảo hiểm thì tiền nhiều lắm á.”

 Anh Y nglưn – Trưởng thôn làng Nha Prông, xã Chư Á, TP. Pleiku cho biết: “Tôi cũng tuyên truyền cho bà con về lợi ích của BHYT, thứ nhất về đau bệnh nếu có bảo hiểm Nhà nước sẽ hỗ trợ 80%, còn dân chỉ đóng 20%. Bà con thu nhập không ổn định nên bà con không mua, có mua bảo hiểm nhưng chưa đến 50%. Bà con ở đây chủ yếu là làm nông nghiệp, làm thuê nên thu nhập không ổn định.”

Theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Gia Lai có trên 271 ngàn người không còn được hỗ trợ BHYT, trong đó trên 160 ngàn người DTTS. Bên cạnh đó, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 18% người DTTS chưa tham gia BHYT, tương ứng với 130 ngàn người chưa có thẻ BHYT. Khi chính sách hỗ trợ BHYT đối với người DTTS thay đổi, công tác tuyên truyền, vận động gặp khó khăn thì đây tiếp tục là bài toán nan giải đối với tỉnh Gia Lai trong phát triển BHYT trong năm 2024.

Ông Trần Ngọc Tuấn – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai trao đổi: “Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 38 công tác thực hiện BHYT trên địa bàn  còn có những khó khăn nhất định, đó là người đồng bào DTTS tham gia BHYT không thật sự bền vững, một số người đồng bào DTTS còn trông chờ, ỉ lại vào chính sách BHYT của nhà nước mà chưa tham gia BHYT hộ gia đình. Một mặt nữa chính sách BHYT cho người đồng bào DTTS cũng bị tác động rất lớn bởi cơ chế chính sách sau khi Quyết định 861 của Chính phủ được ban hành.”

Năm 2024, tỉnh Gia Lai phấn đấu người dân tham gia BHYT đạt tỷ lệ 93,75%. Để đạt được kết quả này, BHXH tỉnh đang tập trung tuyên truyền sâu rộng chính sách BHYT nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời phân tích, phân loại từng nhóm đối tượng theo từng địa bàn tại các xã, phường, thị trấn và xây dựng kịch bản, từ đó triển khai các giải pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Lệ Xuân – Duy Tín

 


Lượt xem: 6

Trả lời