Nghịch lý rau xanh tăng giá-người trồng rau không được hưởng lợi.

Cập nhật 11/1/2017, 14:01:37

Từ cuối năm 2016 cho đến nay ở nhiều tỉnh thành và kể cả tại Gia Lai đã ghi nhận giá rau xanh tăng cao so với những tháng trước đây. Nguyên nhân lý giải rau xanh tăng giá là do tình hình mưa lũ ở những tỉnh miền Trung vào cuối năm 2016. Giá rau tới tay người tiêu dùng được ví đắt bằng  thịt- cá, tuy nhiên giá rau tại ruộng của những người nông dân khi bán cho thương lái vẫn không biến chuyển.

Vào thời điểm này khắp cánh đồng rau ở xã An Phú thành phố Pleiku, bên cạnh những khoảng đất trống đang được người dân tiếp tục xuống giống cho vụ rau ra Tết, thì đâu đâu cũng nhộn nhịp cảnh thu hái rau xanh. Rau xanh cắt đến đâu, tiểu thương vào thu mua tiêu thụ hết ngay đến đó. Những tưởng giá rau xanh trên thị trường tăng giá thì người trồng rau sẽ trúng mùa được giá. Tuy nhiên, tại những vườn rau này, giá cải ngọt vẫn chỉ ở mức 3.000 đồng/kg, nghĩa là không tăng đột biến như ở chợ.

Chị Trương Thị Thu Hà-Thôn 11 xã An Phú thành phố Pleiku cho biết: “Cải ngọt đây phải nhanh tay cắt hết để kịp bán chứ không thì mai mốt  không bán được. Ở chợ, cải tăng giá chứ ở vườn chúng tôi thì cũng vậy thôi. Làm rau, khi thu hoạch, tiểu thương họ cắt giá bao nhiêu thì mình biết bấy nhiêu”.

So với mồng tơi, cải ngọt thì rau thơm tại vườn có tăng giá hơn chút đỉnh. Từ hơn một tháng trước đây cho đến nay và dự kiến là qua cả dịp Tết, giá rau thơm như húng, quế vẫn  giữ ở mức ổn định vào khoảng từ 6-8 ngàn đồng cho một chục bó rau thơm. Theo cách tính truyền thống của người trồng rau vùng đất An Phú với mỗi thiên rau 250 bó thu về 150.000 đồng như hiện nay là được giá nhất trong những năm gần đây.

Chị Trần Thanh Nữ-Thôn 11 xã An Phú thành phố Pleiku cho biết: “Rau thơm năm nay là được nhất.Làm rau ra tiểu thương vào vườn mua hết là được rồi chứ giá cả ở tại vườn không mấy khi tăng”.

Để rau xanh đến được tay người tiêu dùng, thường phải qua ít nhất 3 lượt mua bán. Nông dân bán rau lần thứ nhất tại vườn với giá rất rẻ cho những người chuyên thu gom rau. Những người này sẽ mang rau vào các chợ đầu mối bán buôn lại, hoặc trực tiếp đưa rau đến từng cửa hàng rau trong nội thành. Sau đó, rau xanh mới được chuyển đến tay người tiêu dùng. Qua mỗi khâu như vậy, giá rau xanh thường tăng lên gấp đôi, gấp ba. Điều đáng nói là người nông dân nhọc nhằn sản xuất rau xanh nhưng khi giá tăng cao, phần chênh lệch lớn đó họ lại không được hưởng. Bởi cho đến nay việc điều tiết thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ vựa mua gom rau. Còn khi thị trường ổn định, không khan hiếm, giá rau xuống thấp, tư thương không thu mua, hoặc ép giá thì rau lại bị chất đống trên đồng cho gia súc ăn hoặc làm phân bón cho vụ sau./.

Vân Anh, Duy Linh


Lượt xem: 61

Trả lời