Ngày Thế giới không hút thuốc lá 31/5: Cam kết bỏ thuốc lá

Cập nhật 31/5/2021, 16:05:48

“Cam kết bỏ thuốc lá’ là khẩu hiệu của Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay. Tác hại của việc sử dụng thuốc lá đã được khẳng định rõ ràng. Trong bối cảnh dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo người hút thuốc lá dễ bị mắc Covid-19, nguy cơ tử vong cao hơn so với người không hút thuốc.

Tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Gia Lai, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm gần 80%. Với tiền sử hút thuốc lá trong nhiều năm, trải qua thời gian vào viện điều trị bệnh phổi, bệnh nhân này đã quyết tâm từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Quá trình cai thuốc không dễ dàng nhưng nhờ sự quyết tâm, kiên trì, lại được các y bác sĩ tư vấn, động viên nên ông đã bỏ thuốc được 1 tháng nay.

Một bệnh nhân nói: “Trước đây uống rượu, hút thuốc lá, nay bỏ rượu được 3 năm. Nếu dính vô bệnh mình phải quyết tâm mình bỏ thôi, quyết định bỏ được thì rất tốt”.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn đường hô hấp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 và làm trầm trọng hơn các bệnh nền, khiến người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ tử vong cao hơn.

BS Nguyễn Tiến Hùng – Khoa Nội A, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Gia Lai cho biết: “Virus SARS-CoV-2 gây biến chứng chủ yếu là về hô hấp. Về thuốc lá gây ảnh hưởng đến hô hấp, suy hô hấp, vi rút đánh vào phổi. Nếu bệnh nhân có nền, có bệnh phổi sẵn thi nguy cơ tử vong sẽ cao gấp đôi so với những người bệnh mắc covid mà không hút thuốc lá. Hút thuốc lá, thuốc lào nguy cơ lây nhiễm vi rút sẽ dễ hơn”.

Với chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá”, Bộ Y tế nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cai thuốc lá trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bởi thuốc lá là yếu tố hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm. Các loại thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử đều dẫn đến những tổn thương phổi khó phục hồi./.

Kim Châu, Phi Long


Lượt xem: 12

Trả lời