Một sân chơi bổ ích của học sinh

Cập nhật 19/9/2016, 07:09:12

Bên cạnh sự hấp dẫn của thiên nhiên hùng vĩ, Gia Lai còn là vùng đất có nền văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc núi rừng của đồng bào các dân tộc.

Với mong muốn tạo một sân chơi lành mạnh và ý nghĩa cho học sinh dịp Tết Trung thu năm 2016, đồng thời giúp các em thêm yêu quý và có ý thức bảo tồn những di sản văn hóa Gia Lai. Vừa qua, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, đã tổ chức chương trình “Em vui hội Trăng rằm cùng di sản quê hương”,  một sân chơi bổ ích của học sinh.

19-9-sanchoi

Với các chủ đề như: giới thiệu về Di tích Danh lam thắng cảnh ở Gia Lai; giới thiệu về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; về Chiến thắng Đăk Pơ, ngày 24/6/1954; 15 học sinh đại diện cho các trường THCS Phạm Hồng Thái, THCS Nguyễn Du và THCS Nguyễn Huệ trên địa bàn thành phố Pleiku đã cùng nhau thử sức mình trong phần thi “Em là thuyết minh viên”. Dù lần đầu tiên đứng ở vai trò là một thuyết minh viên về văn hóa-lịch sử-danh thắng của tỉnh nhà, nhưng với cách thể hiện sinh động, dí dỏm, các em đã giúp cho khán giả-du khách hiểu hơn về văn hóa-lịch sử vùng đất Gia Lai để từ đó thêm yêu và quyết tâm dựng xây quê hương Gia Lai giàu đẹp.

Em – Trường THCS Phạm Hồng Thái-Pleiku-Gia Lai chia sẻ: “ Em rất vinh dự khi được đại diện cho hơn 2.000 học sinh trường THCS Phạm Hồng Thái.Em biết thêm nhiều kiến thức mới về văn hóa lịch sử của tỉnh Gia Lai. Nếu là hướng dẫn viên em sẽ nói là Gia Lai của chúng tôi rất tươi đẹp, du khách không thể bỏ qua Biển Hồ”.

Em Nguyễn Vũ Nhật Huy– Trường THCS Nguyễn Du-Pleiku-Gia Lai nói: “ Tham gia vào cuộc thi này em rất hồi hộp. Qua sân chơi này em hiểu hơn về các di tích, di sản văn hóa ở Gia Lai. Em giới thiệu về chiếc gùi trong đời sống của đồng bào dân tộc”.

Không chỉ tạo sân chơi để học sinh THCS thể hiện niềm yêu thích với di sản văn hóa-lịch sử của quê hương Gia Lai, chương trình cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như kéo  co, nhảy bao bố, đi cà kheo để tạo nên một môi trường vừa học vừa chơi lý thú, sáng tạo, đoàn kết.

Bà Nguyễn Thị Kim Vân-Giám đốc Bảo tàng Gia Lai cho biết: “ Chúng tôi tổ chức một sân chơi cho trẻ em để các em vừa học vừa chơi, chúng tôi lồng nội dung cuộc thi vào trong đó có nội dung em làm thuyết minh viên. Chúng tôi chọn chủ đề tiêu biểu của Gia lai. Các em đến đây rất hào hứng, các em được tìm hiểu về văn hóa Gia Lai và qua đây tôi nghĩ rằng những giá trị văn hóa vật thể,phi vật thể của Gia Lai sẽ đến được với lớp trẻ”.

Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng thông qua những hoạt động “chơi mà học”, chương trình đã góp phần làm cho học sinh hiểu biết hơn về Bảo tàng tỉnh Gia Lai – nơi đang bảo tồn, lưu giữ và tổ chức nhiều hoạt động để phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương; giúp các em thêm yêu lịch sử văn hóa Gia Lai và xem Bảo tàng là điểm đến trong giờ học ngoại khóa bổ ích./.

Vân Anh, R’ Piên

 

 


Lượt xem: 89

Trả lời