Mã số vùng trồng giúp nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng

Cập nhật 20/8/2023, 15:08:59

Với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu, đòi hỏi chất lượng và việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng cần phải hết sức quan tâm. Bởi vậy, việc đẩy mạnh công tác xây dựng mã số vùng trồng là điều cần thiết, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng của nông dân, trong đó có cây ăn trái.

Những năm gần đây, cùng với các sản phẩm cà phê, hồ tiêu thì trái cây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai; trong đó phải nói đến sầu riêng. Diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh chủ yếu được trồng ở các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Chư Pưh, Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang và Ia Grai. Đi kèm với xây dựng nhãn hiệu, các cấp, ngành, địa phương cũng đang hết sức chú trọng xây dựng mã số vùng trồng cho cây sầu riêng nhằm giúp nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, Global GAP…; đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Trọng – Xã Ia Rong, huyện Chư Pưh nói: “Giờ nói chung các mặt hàng đi ra thế giới thì người ta buộc phải chọn Vietgap đầu tiên vì đó là hàng sạch. Thứ nhất là quyền lợi của người tiêu dùng, thứ hai là người sản xuất; nói chung là 2 bên đều có lợi hết. Cũng mong là mình làm chương trình Vietgap này thì giá cả có thể thay đổi khá hơn một tí, tăng thu nhập và người tiêu dùng nói chung họ sử dụng cũng đỡ độ độc hại trong trái cây so với cách làm thông thường.”

Ông Lê Văn Lực – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Bă, huyện Ia Grai trao đổi: “Để mà có đầu ra ổn định thì đối với góc độ Hội Nông dân xã thì cũng đã tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng các mã vùng chỉ dẫn địa lý để hướng tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết. Hiện tại thì HTX đứng chân trên địa bàn đã đăng ký 3 mã vùng với diện tích 50ha sầu riêng để đăng ký xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.”

Đối với cây chanh dây, đến nay toàn tỉnh Gia Lai có khoảng gần 4.500 ha và dự kiến sẽ mở rộng diện tích chanh dây đến năm 2025 lên 20.000 ha. Cùng với mở rộng diện tích, các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng để đảm bảo nguồn cung ứng chanh dây cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Lê Thế Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cho biết: “Hiện nay xã Bàu Cạn cũng đang làm mã vùng cho cây chanh dây. Một là thôn Đồng Tâm và hai là thôn Đoàn Kết; phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân làm mã vùng cho chanh dây.”

Đến cuối tháng 7/2023, toàn tỉnh Gia Lai đã được cấp 146 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 7.769 ha. Việc xây dựng mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm nông sản. Đây được xem là “hộ chiếu” để nông sản của Gia Lai nói chung, trái cây nói riêng có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế./.

Mỹ Tiến – Duy Linh – Huy Toàn


Lượt xem: 6

Trả lời