Lễ tưởng niệm 230 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung và Trao bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng Đạo

Cập nhật 25/8/2022, 17:08:22

Sáng nay 25/8, (nhằm ngày 28 tháng 7 âm lịch, năm Nhân Dần), tại khuôn viên An Khê Trường (thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng Đạo) Sở VH,TT&DL phối hợp với Thị xã An Khê đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 230 năm Ngày mất Hoàng đế Quang Trung (1792-2022) và Trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt “Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo”. Dự lễ có các đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy-Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các Sở, Ban ngành và 17 huyện thị xã, thành phố trong tỉnh. Về phía đại biểu khách mời có: đồng chí Dương Văn Trang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai; lãnh đạo tỉnh Bình Định, lãnh đạo huyện Tây Sơn-tỉnh Bình Định, cùng các vị bô lão và đông đảo nhân dân trong vùng về dự lễ.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, thị xã An Khê và các huyện trong tỉnh, cùng nhân dân đã dâng hương, dâng hoa lên tượng đài Hoàng đế Quang Trung. Dưới tượng đài uy nghiêm các đại biểu đã cùng nhau ôn lại sự nghiệp vẻ vang của phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo tài ba của người Anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ. Năm 1771, từ vùng căn cứ địa ban đầu Tây Sơn Thượng đạo (nay là huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê), 3 anh em Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã dựng binh, phất cờ khởi nghĩa, phát triển thành cuộc khởi nghĩa nông dân với quy mô cả nước. Cuộc khởi nghĩa đã đánh tan hai triều đại phong kiến, 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Mãn Thanh, thống nhất giang sơn. Sau khi dẹp xong thù trong, giặc ngoài Hoàng đế Quang Trung bắt tay vào kiến thiết, xây dựng đất nước, để lại sự ngưỡng vọng đặc biệt trong lòng nhân dân.

Năm nay, Lễ tưởng niệm 230 năm ngày mất Hoàng đế Quang Trung được tổ chức với quy mô lớn hơn các năm trước, nhân dân trong vùng tụ hội về nhộn nhịp, đông vui.Mọi người tập trung về trước Điện thờ chính cùng tham gia lễ giỗ theo đúng nghi thức truyền thống; thắp nén nhang thơm, tỏ lòng tri ân thành kính đến các bậc tiền nhân. Ban nghi lễ đã thực hiện các nghi thức, dâng vật phẩm, nhang, đèn, rượu, trà… nhạc lễ và đọc bài văn tế thể hiện niềm tưởng nhớ đến công lao to lớn của 3 anh em nhà Tây Sơn Tam Kiệt.

Ông Trần Ngọc Hỷ – Phó Ban nghi lễ An Khê Trường, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: Các nghi thức được gìn giữ, lưu truyền và thực hiện đúng như truyền thống từ xưa. Nhân dân rất tự hào về vùng đất địa linh nhân kiệt, hàng năm tới ngày giỗ của Ngài bà con tụ hội về đây, có gì thì đem nấy, dâng lên thờ cúng Ngài… để lưu giữ truyền thống từ xưa, truyền lại cho con cháu đời sau.”

Ông Nguyễn Sơn – Thị xã An Khê, Gia Lai xúc động nói: “Nhân dân luôn ghi nhớ công ơn của 3 Ngài, chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ, truyền lại cái truyền thống cho con cháu, mong rằng được nhà nước quan tâm, hàng năm vào các ngày lễ bà con từ mọi miền sẽ về đây cùng tưởng nhớ đến công ơn của Hoàng đế Quang Trung.”

 Nhằm phát huy truyền thống của phong trào nghĩa quân Tây Sơn trên vùng đất Tây Sơn Thượng Đạo, những năm gần đây, tỉnh Gia Lai và thị xã An Khê đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, tôn tạo lại khu di tích An Khê Đình, An Khê Trường, Đền thờ Tam Kiệt… góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản; đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tham quan, thưởng lãm của người dân và du khách, qua đó đẩy mạnh phát triển du lịch địa phương. Dịp này, 4 huyện, thị xã phía Đông gồm ( Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê) vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng quần thể di tích quốc gia đặc biệt đối với “Quần thể Tây Sơn Thượng Đạo” và thị xã An Khê đón nhận Bằng di tích cấp quốc gia “Di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá../.

Kim Ngân – Thanh Sáng


Lượt xem: 10

Trả lời