Lễ kỷ niệm 253 năm khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn (1771-2024), 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2024)

Cập nhật 13/2/2024, 15:02:24

Sáng nay (13/02), (nhằm mùng 4 Tết Giáp Thìn), tại điểm di tích An Khê Trường, thị xã An Khê, Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Gia Lai đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 253 năm khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn (1771-2024), 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2024) và Hội hát Cầu Huê của người Việt trên đất An Khê.
Dự lễ có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Thường Trực Tỉnh ủy-Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Hà Sơn Nhin – Nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai; Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Gia Lai; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành, đoàn thể và 17 huyện thị xã, thành phố trong tỉnh
Về phía đại biểu khách mời có: đồng chí Dương Văn Trang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai; lãnh đạo Sở VH,TT &DL và huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cùng các vị bô lão và đông đảo nhân dân, du khách về dự lễ.

Tiếng trống trận Tây Sơn với âm hưởng hùng tráng, hừng hực hào khí Quang Trung Nguyễn Huệ, thấm đậm tinh thần thượng võ trên đất Tây Sơn Thượng đạo đã mở đầu cho buổi Lễ kỷ niệm 253 năm khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn (1771-2024), 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2024).

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đồng chí đại biểu cùng Nhân dân đã dâng hoa lên tượng đài Hoàng đế Quang Trung, tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Trong bài diễn văn ôn lại trang sử hào hùng của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn năm 1771, Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch – Trưởng Trưởng Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Gia Lai khẳng định: Căn cứ đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn là vùng Thượng đạo, được sự giúp sức của đồng bào vùng cao, thủ lĩnh Nguyễn Nhạc đã xây dựng đồn lũy ngay trên đỉnh đèo An Khê. Năm Tân Mão (1771), ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, hiệu triệu Nhân dân phất cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn. Từ đây, phong trào Tây Sơn nhanh chóng phát triển, lập nhiều chiến công hiển hách mà đỉnh cao là Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đã đánh đuổi 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi, thống nhất giang sơn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh ủy viên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Gia Lai phát biểu “Cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn năm 1771 là sự kiện tiêu biểu của Nhân dân bị áp bức, đã thực hiện được sứ mệnh thống nhất đất nước. Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đã khẳng định nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Tây Sơn, đặc biệt là tài cầm quân của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, thể hiện ý chí độc lập tự chủ của dân tộc ta.

Hôm nay, chúng ta đã và đang được sống trên mảnh đất mà tổ tiên, trong đó những người anh hùng áo vải Tây Sơn, đã dày công dựng xây và gìn giữ. Theo thời gian, bao mồ hôi, nước mắt và máu của lớp lớp người đã đổ xuống nơi này.

Trong những ngày đầu xuân năm mới bình yên này, mong sao mỗi người chúng ta hãy dành thêm thời gian để nghĩ về tiền nhân, về lịch sử, văn hóa dân tộc, để có thêm động lực, cống hiến, phụng sự nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chung của địa phương và đất nước.”

Tiếp nối phần lễ là phần hội, trong không khí vui tươi, phấn khởi của mùa Xuân mới, Nhân dân và du khách được hoà mình vào không gian lễ hội với nhiều hoạt động đậm sắc màu, như: Hội hát Cầu Huê – tái hiện lễ hội truyền thống độc đáo có từ lâu đời của người Việt tại vùng An Khê, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; phiên chợ Xưa, biểu diễn võ cổ truyền, lân sư rồng, hòa điệu cùng cồng chiêng, hát bội….

Trên tinh thần “Hào khí Quang Trung – Tây Sơn thượng đạo hội tụ và phát triển”, Lễ kỷ niệm 253 năm khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn (1771-2024), 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2024) là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tri ân công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ Nhà Tây Sơn; đồng thời, thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, gắn với phát triển du lịch; tạo không gian vui Xuân lành mạnh cho Nhân dân trong dịp Tết Cổ truyền của dân tộc../.

Kim Ngân –  Minh trung


Lượt xem: 33

Trả lời