Lần đầu tiên thầy cô đón học sinh đến trường vào tháng 5

Cập nhật 09/5/2020, 10:05:23

 Hình ảnh hoa phượng luôn gắn liền với mùa hè thân thương bởi khi cánh phượng nở rực rỡ cũng là lúc lời “chia tay” lên tiếng, những kỷ niệm thời học sinh như ùa về vội vã. Với những em học sinh sắp tốt nghiệp THCS, THPT thì đây thực sự là tháng không thể quên trong đời.
Có lẽ ai cũng đã từng trải qua tuổi học trò cả, như một lẽ tự nhiên là khi phượng nở rực sân trường cũng là lúc báo hiệu mùa chia xa, cảm giác ấy thật khó tả. Nhưng năm nay lại là một năm khá đặc biệt, vì tháng năm về lại là lúc khởi đầu cho một hành trình dạy và học của cả thầy và trò sau một kỳ nghỉ dài để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Không còn tiếng ve kêu, hoa phượng dưới sân trường cũng đã qua mùa nở rộ. Tháng  5 của năm học này không phải thời điểm sắp kết thúc năm học, mà lại là thời điểm khởi đầu của học kỳ II.

Giữa cái nắng nóng lên tới 40 độ C, các em học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh đang chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Vì là tuần học đầu tiên các em trở lại trường sau đợt nghỉ dài để phòng bệnh nên thầy cô và các em học sinh đều đang rất cố gắng để vừa hoàn thành chương trình dạy và học, vừa phòng bệnh một cách tốt nhất. Với nhiều thầy cô giáo thì tháng năm về cũng chính là khoảng thời gian đọng lại nhiều kỷ niệm đối với học trò.

Thầy giáo Trần Văn Thảo, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh chia sẻ: “Bản thân tôi là một giáo viên dạy học sinh lớp 5 đã công tác được hơn 10 năm rồi, như mọi năm đến giờ phút này trong không khí mùa hè đã đến thì tất cả các thầy cô sắp phải chia tay các em nên có rất nhiều kỷ niệm quyến luyến giữa thầy và trò. Nhưng mà trong năm nay là một năm đại dịch của toàn thế giới, chúng tôi đang thấy  là ngay thời điểm này là tuần học đầu tiên sau 4 tháng nghỉ liền và chúng tôi đã đón học sinh trở lại trường. Nếu trước kia thầy và trò cố gắng 10 thì bây giờ chúng tôi phải cố gắng 20 đến 30% có khi là hơn thế nữa”.

Với nhiều em học sinh khi đi học trở lại thay cho cảm giác xốn sang là tâm lý lo âu nhưng trên hết vẫn phải mạnh mẽ để bắt tay vào cuộc sống “bình thường mới”.Thế nhưng cũng chính trong thời điểm dịch bệnh xảy ra, điều quý giá nhất là đã dạy cho các em về giá trị sống, giá trị sức khỏe và giá trị của sự tự học.

Em Hà Thị Trấn Lan, Lớp 12E – Trường PTDT Nội trú tỉnh Gia Lai cho biết: “ Mọi năm đến thời điểm bây giờ tụi em bắt đầu bước sang mùa hè, đặc biệt hơn là lớp 12 kỳ thi quan trọng là THPT quốc gia cũng có nhiều lo lắng. Nhưng năm nay trước bệnh dịch Covid – 19 thì bọn em mới bắt đầu ôn thi thì cũng cảm thấy lo lắng một phần nào đấy.

Em thấy an tâm hơn việc phòng chống dịch bệnh Covid – 19 ở trên trường mình và cũng cảm thấy yên tâm để mình ôn thi hơn”.

Em Trịnh Gia Trương Định, HS lớp 12A2 – Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Tp. Pleiku, Gia Lai cũng nói : Nói chung học ở nhà không thể bằng ở lớp được, không có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh nên khi đi học lại  thì chúng em cảm thấy thân thiện hơn. Tuy nhiên học ở nhà chúng  em cũng thấy có cái lợi đó là rèn luyện kỹ năng tự học, tự tìm hiểu.

Trở lại trường học những ngày này, người giáo viên phải có thêm tâm thế mới, không chỉ dừng lại ở kiến thức trong bài học như trước đây mà còn phải thêm kỹ năng, kiến thức bồi đắp cho học trò. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có nhiều biện pháp trong công tác phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em.

Cô giáo Phan Thị Bích Thủy, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Tp. Pleiku, Gia Lai nói: “Sau khi đi học lại điều giáo viên lo lắng nhất là các em lỗi nhịp với tiến độ học tập.

Trong năm học này ngoài việc khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra thì công tác dạy và học thì thầy và trò trường Hoàng Hoa Thám cũng có nhiều biện pháp phòng chống dịch như đoàn trường đã dán thông báo cho học sinh về phòng chống dịch, Tổ Hóa Học của nhà trường đã pha chế nước rửa tay theo công thức và tất cả các lớp đều được trang bị nước rửa tay sát khuẩn”.

Một năm học dẫu có nhiều đổi thay vì dịch bệnh, thế nhưng những cố gắng trong việc dạy và học của giáo viên cũng như học sinh từ vùng thuận lợi cho đến vùng khó khăn của tỉnh Gia Lai đã nói lên được người thầy chỉ thực sự hạnh phúc khi được làm nghề và gặp gỡ học trò./.

Lệ Xuân, Kim Châu, Minh Trung

 


Lượt xem: 71

Trả lời