Kinh tế Gia Lai- Những chuyển động mạnh mẽ

Cập nhật 02/9/2019, 14:09:26

Từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Gia Lai đang hòa vào dòng chảy chung của cả nước, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá trong khu vực. Đặc biệt những năm gần đây, Gia Lai thật sự trở nên miền đất hứa cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội khi các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư được thực hiện một cách linh hoạt, tạo nên sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Hàng loạt dự án đầu tư được triển khai đánh thức tiềm năng, lợi thế trên các lĩnh vực, những hiệu quả mang lại đã tác động mạnh mẽ đến sự chuyển động của nền kinh tế.

Giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7,76%, riêng năm 2018 là 8%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 4.505 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2017. Đáng nói là số tiền thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh năm 2018 tăng gấp 6 lần so với dự toán Trung ương giao. Kết quả trên cho thấy, Gia Lai đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Nguyễn Trường Hùng – Giám đốc Nhà máy sản xuất Acom Gia Lai cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư lĩnh vực thu mua, chế biến cà phê tại Gia Lai. Chúng tôi đánh giá rất cao về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư tại Gia Lai”.

Sau gần 4 năm từ năm 2016 đến nay, Gia Lai trải thảm đỏ thu hút đã có 160 dự án được tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 16.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 10.500 lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 42 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động với nguồn vốn thực hiện hơn 5 ngàn tỷ đồng. Các dự án tiêu biểu như: Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Thành Thành Công Krông Pa công suất 49 MW; Nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3/ngày đêm tại huyện Chư Sê; Nhà máy nước sạch công suất 9.500 m3/ngày đêm tại An Khê… Ngoài ra hàng chục dự án quy mô lớn được nhà đầu tư quan tâm với tổng số vốn khoảng 25.000 tỷ đồng, chưa tính 32 dự án điện mặt trời, điện gió được tỉnh cho khảo sát với quy mô 3.951 MW, số vốn dự kiến trên 86.000 tỷ đồng. Các dự án được nhà đầu tư quan tâm tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; công nghiệp năng lượng; khai thác mỏ; khu đô thị văn minh; du lịch sinh thái; xây dựng cơ sở hạ tầng… Thông qua các dự án đầu tư đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế của địa phương. Vì vậy tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng  được UBND tỉnh chỉ đạo thường xuyên tại hầu hết các cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ hàng tháng, hàng quý.

Đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Kỳ vọng các dự án được khởi công thì sẽ mang lại nhiều kết quả tốt, trong đó có thu ngân sách. Vì vậy, đối với các dự án đầu tư, phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc, GPMB để các dự án được khởi công nhanh càng sớm càng tốt. Dự án khởi công sớm chừng nào tốt chừng nào, làm giàu cho địa phương”.

Từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Gia Lai đang hòa vào dòng chảy chung của cả nước, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá trong khu vực. Điều này cũng đã được lãnh đạo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao. Cụ thể tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai vào tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã rất phấn khởi trước thành tựu Gia Lai đạt được trong thời gian qua, từ đó Chủ tịch Quốc hội đã đưa ra những định hướng phát triển trong thời gian tới mà Gia Lai cần tập trung thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Gia Lai còn nhiều tiềm năng như lợi thế về đất đỏ bazan để trồng các loại cây ăn quả; tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời; tỉnh cần phát huy lợi thế về rừng và đất rừng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở gắn kết với các tỉnh trong khu vực”.

Năm 2019 Gia Lai phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 8,1-8,2%, tổng thu ngân sách đạt từ 5.000 tỷ đồng trở lên, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 26 ngàn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD. Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Gia Lai đã và đang tập trung nhiều giải pháp thực hiện một cách quyết liệt.

Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai trao đổi: “Để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2019, từ đầu năm đến nay Gia Lai đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó tập trung đẩy mạnh các dự án đầu tư bằng cách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay các dự án đang được triển khai khá thuận lợi. Với các giải pháp đặt ra, Gia Lai hoàn toàn tin tưởng đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đặt ra”.

Kết quả tăng trưởng hàng năm đã thể hiện một khát vọng đưa Gia Lai vươn lên ở một tầm cao mới, trở thành vùng kinh tế động lực của cả vùng Tây Nguyên cũng như khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Cam PuChia. Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền địa phương và sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin  về một Gia Lai đổi mới, phát  triển toàn diện sẽ sớm trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.

Hồng Uyên, Thanh Sáng

 


Lượt xem: 29

Trả lời