Khó khăn trong hoạt động của các trường đào tạo nghề

Cập nhật 25/5/2016, 09:05:34

Cùng với phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học, phát triển các trường đào tạo nghề hiện là giải pháp đang được tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm giải quyết thực trạng "thừa thầy thiếu thợ". Song thực tế nhiều khó khăn khiến cho các trường nghề trên địa bàn tỉnh không chỉ khó trong tuyển sinh mà còn khó trong cả việc giữ chân người học.

 

Việc tuyển sinh và  duy trì sĩ số là những khó khăn của các trường dạy nghề trên đại bàn

Được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kể cả đội ngũ giáo viên, Trường Cao đẳng nghề Gia Lai được xếp vào hàng bậc nhất khu vực Bắc Tây nguyên với quy mô lên đến 2.000 học sinh, sinh viên. Thế nhưng, thời gian qua, việc tuyển sinh lại không hề đơn giản.

Ngay cả với 600 chỉ tiêu ở cả 2 hệ trung cấp và cao đẳng trong đợt tuyển sinh sắp tới, tức là chỉ mới đạt tỷ lệ 30% quy mô đào tạo, nhưng nhà trường đã sớm xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn.

Ông Trần Văn Kiệm, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Gia Lai cho biết: “Do tâm lý chung của thanh niên, của gia đình thích lựa chọn vào trường đại học hơn là thích học nghề nên ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của nhà trường. Nhà trường cũng đã cố gắng đổi mới trong công tác tuyển sinh, nhưng hàng năm cũng chỉ đáp ứng được khoảng 80% số đào tạo, vì vậy ngoài hệ chính quy, nhà trường cũng đã phải mở các lớp khác để bù vào, trong đó có việc nhận đào tạo cho doanh nghiệp, mở các lớp sơ cấp. Nhưng nhìn chung so với những năm trước đây thì công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn hơn”.  

Đối với các trường dạy nghề có quy mô nhỏ hơn thì khó khăn không chỉ dừng lại ở khâu tuyển sinh đầu vào. Mặc dù chỉ tiêu hàng năm đặt ra khiêm tốn, chỉ khoảng 100 học sinh, nhưng việc tuyển sinh cũng gặp không ít khó khăn. Tại Trường trung cấp nghề An Khê những năm gần đây cũng chỉ duy trì ở mức trên 80% . Tuy nhiên, vấn đề của trường lại nằm ở việc duy trì sĩ số, bởi số lượng học sinh bỏ học giữa chừng là khá lớn.

Ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề An Khê nói về khó khăn chung cũng như khó khăn riêng của trường trong những năm qua: “Khâu tuyển sinh đầu vào đã khó rồi , khâu duy trì học sinh trong quá trình học thì ngày càng khó hơn. Cái khó chung của các cơ sở dạy nghề tức là các em khu vực phía đông này là đồng bào DTTS rất là nhiều . Đối với Trường Trung cấp nghề An Khê thì khoảng 85 đên 90% là ĐBDTTS và các em đến đây học với đối tượng dân tộc bình thường thi được hưởng trợ cấp 140.000 đồng/ tháng .Cái trợ cấp này có từ năm 1998 đến nay cũng đã nhiều lần đề nghị với Hội đồng ND tỉnh tuy nhiên đây cũng là vấn đề khó khăn chung cho nên từ những vấn đề đó nên các em là lao động chính trong gia đình nên các em cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi học, suy trì sĩ số”.

Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh và duy trì sĩ số tốt, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, việc đưa thông tin tuyển sinh tới học sinh các trường THPT ngày càng được chú trọng hơn. Điều kiện về cơ sở vật chất dạy học cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên cũng được quan tâm, đầu tư, nhằm nâng cao về chất lượng đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề được học sinh, sinh viên quan tâm nhất hiện nay là tìm kiếm việc làm sau khi ra trường, các trường dạy nghề cũng đã tăng cường liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn và trong khu vực để giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường. Đối với trường Cao đẳng nghề Gia Lai từ lâu đã thành lập một phòng riêng để thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc doanh nghiệp, tư vấn giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.

Ông Lý Thành Tâm, Trưởng phòng Vật tư thiết bị – Tiếp xúc doanh nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Gia Lai cho biết: “Mỗi năm có khoảng 40 doanh nghiệp tìm đến trường với nhu cầu khoảng 2000 lao động. Tuy nhiên, nhà trường cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu này, bởi có nhiều ngành nghề, nhu cầu của doanh nghiệp thì lớn nhưng nhà trường chỉ đào tạo được rất ít, vì thị hiếu của các em học sinh ít thích theo học những ngành nghề đó”.

Theo số liệu cập nhật từ Sở GD & ĐT Gia Lai, Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016, toàn tỉnh có gần 13.900 thí sinh đăng ký tham gia, trong đó có khoảng 40% thí sinh đăng ký thi cụm địa phương với hơn 5.500 thí sinh. Tuy nhiên, đây chưa phải là tín hiệu đáng mừng cho các trường dạy nghề, bởi năm nay có đến 150 trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh trong đó có sử dụng kết quả của cụm thi địa phương. Do đó, để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016, các trường dạy nghề sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các trường đại học, cao đẳng. /.

Hòa Giang – Viễn Khánh


Lượt xem: 115

Trả lời