Hương vị bánh chưng Trường Sa

Cập nhật 20/1/2017, 14:01:27

Từ xa xưa, bánh chưng, bánh giầy đã trở thành tinh hoa ẩm thực của dân tộc Việt Nam. Trong những ngày Tết, trên bàn thờ tổ tiên của người Việt thường có cặp bánh chưng cùng với mâm ngũ quả, đôi câu đối… để tưởng nhớ về nguồn cội. Hàng nghìn năm văn hiến đã trôi qua nhưng chiếc bánh chưng vẫn hiện diện trong cuộc sống của mỗi người Việt Nam trong đời sống hiện đại. Và đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thì chiếc bánh chưng xanh được gói bằng lá bàng vuông là ẩm thực không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Phóng sự của phóng viên Xuân Huy mới thực hiện trong chuyến đi Trường Sa gần đây.

Tết sớm trên đảo, thuộc Quần đảo Trường Sa không khí thật rộn ràng. Dù năm nào đoàn công tác ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa cũng mang theo những món quà từ đất liền, trong đó không thể thiếu lá dong, lạt giang, gạo nếp, đỗ xanh… nhưng đối với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thì chiếc bánh chưng xanh được gói bằng lá bàng vuông là ẩm thực không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Bởi ẩn chứa trong chiếc bánh vuông vức, xinh xắn ấy là hồn thiêng dân tộc, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của lá bàng vuôngTrường Sa. Và sâu sắc hơn, chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vuông còn là lời nhắc nhở mỗi người lính Hải quân: “Thực túc binh cường”. Ngồi dưới tán cây bàng vuông đang mùa trổ hoa, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca đang tất bật chuẩn bị gói bánh chưng, rục rịch đón tết sớm. Những chiếc lá dong xanh được anh em chiến sĩ nâng niu cẩn thận bởi ở ngoài đảo lá dong là nguyên liệu hiếm, mỗi dịp giáp tết có đoàn công tác ra thăm mới có. Nhưng cũng có năm khí hậu khắc nghiệt, những chiếc lá dong sau bao ngày quăng quật trên tàu khi đến đảo lá đã ngả vàng. Thế nên, bên cạnh những chiếc bánh chưng được gói bằng lá dong thì còn có những chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông.

          Thượng úy Lâm Văn Tới – Quê Thái Bình – công tác tại Đảo Sơn Ca cho biết: “ “Chúng tôi thường hay sử dụng lá dong để gói bánh chưng như ở đất liền, đặc biệt là ở ngoài này cùng với là dong thì lá bàng vuông được chúng tôi dùng thường xuyên hơn, đây là nguyên liệu sẵn có ở ngoài đảo, cùng với đó dùng lá bàng vuông và lá cây tra giã nhuyễn lấy nước hòa vào nếp để gói bánh nó giúp cho bánh được xanh và đẹp hơn.”

          Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông về cơ bản nguyên liệu làm bánh giống như bánh gói bằng lá dong, chỉ khác về lá gói. Để có được nồi bánh chưng thơm ngon, các nguyên liệu làm bánh đều được mang từ đất liền theo một hải trình dài cả tháng trời để ra đảo, từ gạo nếp, đỗ xanh, thảo quả, gia vị và thịt lợn tươi. Những năm gần đây, các chuyến tàu mang hàng tết từ đất liền ra cũng ít mang theo lợn trên tàu hơn bởi ở đa số các đảo, cán bộ và chiến sỹ đã đẩy mạnh phong trào tăng gia, sản xuất và chăn nuôi, qua đó chủ động được nguồn thịt lợn để làm bánh. Lá bàng vuông để gói bánh phải được chọn từ những cây bàng đang độ trưởng thành, lá bàng to và dày. Lá sau khi hái về, để giữ lá tươi lâu không được rửa lá mà chỉ vấy nước đủ ướt hai mặt lá, rồi sau đó lau sạch và xếp chồng lên nhau khoảng chục lá một. Đối với các chiến sỹ có kinh nghiệm nhiều năm gói bánh, do lá bàng giòn hơn và không dẻo như lá dong nên để gói được bánh, các chiến sỹ sau khi làm sạch lá xong sẽ quấn chúng vào ống tre để lá không thoát nước nhanh, mềm và giữ được màu xanh mướt của lá. Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông quả thật không dễ đối với lính đảo, đặc biệt là đối với những người lần đầu ra đảo.

Thượng úy Trần Viết Sỹ – Đảo Sơn Ca nói: “ “Khi gói bánh bằng lá bàng vuông thì nó không được to, không được mềm và dẻo giống như gói bánh chưng bằng lá dong truyền thống, cũng do điều kiện thời tiết ngoài này khắc nghiệt, cùng với việc khi vận chuyển nguyên liệu ra đảo gặp sống gió lâu ngày đều hư và héo cả nên không thể gói bánh hoàn toàn bằng lá dong được. Tuy nhiên, việc gói bánh bằng lá bàng vuông đã giúp cho bánh xanh và mang hương vị rất đặc biệt của lá bàng vuông không thể lẫn đi đâu được.”

          Những chiếc bánh chưng xanh được gói bằng lá bàng vuông thật đẹp, nó có dư vị đặc biệt hòa quyện hương vị đất liền với vị mặn mòi của biển khơi, như những người lính kiên cường, đầy nhiệt huyết ngọn lửa của ý chí quyết tâm luôn coi “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, chiếc bánh chưng của Trường Sa là thế!

Xuân Huy

 


Lượt xem: 101

Trả lời