Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất mía đường niên vụ 2015-2016

Cập nhật 25/12/2016, 22:12:47

Sáng 23/12, tại huyện Kông Chro, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất mía đường niên vụ 2015-2016 và bàn giải pháp sản xuất mía đường theo chuỗi giá trị gia tăng và bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các địa phương có vùng nguyên liệu mía đường; đại diện lãnh đạo các nhà máy, doanh nghiệp chế biến mía đường cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

24-12-miaduong

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy: Hiện nay, diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh có gần 38.500ha, vượt gần 7.000 so với diện tích mía quy hoạch đến năm 2020. Sản lượng năm 2016 vượt 3% so với sản lượng mía quy hoạch đến năm 2020. Việc phát triển vùng nguyên liệu mía đường trong thời gian qua cơ bản đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Niên vụ 2016-2017 có 5 nhà máy, doanh nghiệp chế biến mía đường trong và ngoài tỉnh đã ký kết hợp đồng đầu tư thu mua nguyên liệu mía với diện tích trên 32.400ha, tổng sản lượng đạt trên 2 triệu tấn. Trong đó Nhà máy đường An Khê chiếm diện tích cao nhất, trên 19.800 ha với sản lượng đạt trên 1,2 triệu tấn, công suất ép đạt 18.000/tấn/ngày. Năm 2017 toàn tỉnh sẽ trồng 38.600 ha mía nguyên liệu, sản lượng dự kiến trên 2,3 triệu tấn. Niên vụ 2017-2018 Nhà máy đường An Khê đầu tư sản xuất 25.000ha, sản lượng mía ép khoảng 1,6 triệu tấn; Nhà máy đường Ayun Pa đầu tư 9.500ha với sản lượng mía ép khoảng 750 ngàn tấn.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đưa ra một số giải pháp sản xuất mía đường trong thời gian tới nhằm tiến tới sản xuất mía đường theo chuỗi giá trị gia tăng, bền vững. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía nguyên liệu; cần nghiên cứu đưa các loại giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh Gia Lai để tăng năng suất cây mía; Công khai đánh giá trữ đường, cũng như ổn định giá thu mua trên thị trường để đảm bảo quyền lợi của người nông dân. Một vấn đề cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm đó là bàn các giải pháp để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu mía vẫn xảy ra hàng năm, trong đó cần nâng cao sự phối hợp giữa nhà máy với người dân, công khai các điểm thu mua mía; có chính sách hài hòa giữa người trồng mía với nhà máy…

Lê Thư,Thanh Sáng


Lượt xem: 206

Trả lời