Hiệu quả từ mô hình nông hội nuôi dê tại xã Glar

Cập nhật 27/1/2022, 07:01:58

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Đak Đoa đã  thành lập nhiều mô hình nông hội nhằm giúp nông dân có thêm cơ hội được hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, góp phần  đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp. Trong đó nông hội nuôi dê tại xã Glar là một trong những nông hội đang phát huy hiệu quả, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.

Tham gia vào  “Nông hội chăn nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm” từ năm 2019, anh Si Môn đã có nhiều thay đổi về tư duy sản xuất. Thay vì chăn nuôi theo cách nhỏ lẻ như trước, thì giờ đây anh đã tiếp cận được phương thức chăn nuôi liên kết bền vững. Được kết nối, hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ về kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, đàn dê của gia đình anh ngày càng sinh trưởng, phát triển nhanh.

Anh Si Môn – Làng Dor 2, xã Glar, huyện Đak Đoa nói: “Thấy nuôi dê cũng dễ. Mình xuất bán được khoảng mười mấy con dê thịt. Hiện tại cũng cho mấy hộ nuôi, cũng được tầm 10 con rồi. Trước đây tự làm thì khó ở chỗ mình bán, mình mua giống, tự tìm tự hỏi bán. Còn vào trong nông hội thì có người hướng dẫn mình, với có người hỏi cho thì dễ hơn”.

Qua 3 năm hoạt động, Nông hội chăn nuôi dê tại xã Glar đã thu hút trên 30 hội viên tham gia. Nông hội có gần 200 con dê giống và dê thịt. Quy mô bình quân trên 20 con dê/hội viên. Có gia đình hội viên nuôi đến 30 con dê. Thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ thịt dê trên thị trường rất lớn, giá dê thịt cũng như dê giống khá ổn định. Từ chỗ chỉ nuôi theo kinh nghiệm, các hội viên đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để mang lại hiệu quả cao.

 Chị Mlơnh – Làng Dor 2, xã Glar, huyện Đak Đoa cho biết: “Khi thành lập  mô hình nông hội giúp bà con trong làng trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi. Mình mong muốn nông hội sau này có thể gắn bó, trao đổi công việc và phát triển hơn nữa”.

Ông Bùi Quang Thoại- Phó Chủ tịch UBND xã Glar, huyện Đak Đoa thông tin: “Việc thành lập các mô hình nông hội giúp người dân đoàn kết hơn, gắn bó hơn. Qua đó có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để chăn nuôi tốt hơn và hướng đến liên kết với các nguồn đầu ra để phát triển kinh tế cho người dân. Hàng năm UBND xã phối  hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện để người dân nắm được những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi”.

Trong bối cảnh dịch Covid- 19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, thì việc liên kết để cùng nhau vượt qua khó khăn, đã và đang được xem là một trong các giải pháp tối ưu để giúp các nông dân ổn định sản xuất, phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Chính vì vậy việc thành lập nông hội là một trong những tiền đề để hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần đưa hoạt động nông nghiệp từng bước dịch chuyển sang những cây, con phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.

Nhâm Dung, Duy Linh


Lượt xem: 37

Trả lời