Gia Lai xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc

Cập nhật 15/5/2022, 08:05:34

Nằm trên địa bàn chiến lược ở khu vực bắc Tây Nguyên, Gia Lai là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, đa dạng về thành phần cư dân và nền văn hóa cổ xưa mang bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Dù trải qua biết bao biến đổi của lịch sử, vùng đất Gia Lai vẫn duy trì một nền văn hóa đa dạng, nguyên sơ mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Suốt dọc dài lịch sử từ khi thành lập tỉnh đến nay, Đảng bộ và nhân dân Gia Lai luôn chú trọng xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nhằm kế thừa và phát triển văn hoá, tạo sự thống nhất trong đa dạng, góp phần phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Gia Lai – vùng đất chứa đựng những trầm tích lịch sử, dấu ấn văn hóa dày sâu. Theo tiến trình lịch sử, Gia Lai có nhiều biến đổi, tạo nên sự đa dạng về thành phần, hình thành cộng đồng các dân tộc, trong đó có 2 dân tộc sinh sống lâu đời là Jrai và Bahnar với đời sống văn hóa phong phú và giàu bản sắc.

Cho đến nay, Gia Lai vẫn là nơi bảo lưu những yếu tố văn hóa cổ truyền độc đáo, thể hiện rõ nét nhất là trong những hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, múa hát. Vùng đất này là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian với những truyền thuyết đã ăn sâu vào tiềm thức con người. Với người Jrai, Bahnar, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ, tạo ra một một không gian văn hóa vừa lãng mạn vừa huyền ảo.

Anh Đinh Alênh – Làng Đê Kơ Chang, xã Đăk Sông, huyện Kông Chro nói: “Lớp trẻ ở làng mình 9, 10 tuổi đã biết cồng chiêng. Nó ham mê giữu gìn cồng chiêng. Mong muốn giữ được phong trào, phong tục , văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình”.

Cùng với bảo tồn và phát huy các giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng, các hoạt động khác như hát sử thi, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, và đặc biệt là các lễ hội của đồng bào các DTTS được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng, như: Lễ thổi tai truyền thống; Lễ mừng nhà rông mới; Lễ hội cầu mưa…; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Mặt khác, thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, các phong trào như xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, mô hình “Làng thanh niên”, mô hình “Điểm sáng văn hoá vùng biên”…đã góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thông qua tổ chức các hội thi văn hoá – nghệ thuật quần chúng, hội thi văn hoá – nghệ thuật các dân tộc thiểu số của tỉnh đã góp phần khai thác được tính cộng đồng, nhu cầu tham gia các hoạt động lễ hội của nhân dân.

Ông Nguyễn Ngọc Long- Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San cho biết: “Trong thời gian qua, nhà hát đã tiến hành công tác phục dựng, từ năm 2019 đến nay đã tổ chức các lễ phục dựng như cúng bến nước, mừng nhà rông mới .., mong muốn bà con các dân tộc ý thức một điều là đối với vốn văn hóa của mình thì hết sức gìn giữ, và bên cạnh đó là sự quan tâm của Đảng và nhà nước cùng đồng hành, cùng hỗ trợ bà con để làm sao đó chúng ta bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa này để đưa tinh thần sức mạnh văn hóa trong nhân dân”.

Gia Lai – Nơi hồn thiêng sông núi hội tụ. Từ bao đời nay, văn hóa truyền thống dân tộc vẫn luôn là dòng chảy bất tận và tồn tại song hành cùng với những thay đổi của cuộc sống mới. Cùng với văn hoá phi vật thể, văn hoá vật thể ở Gia Lai tồn tại trong đời sống của đồng bào như hai thực thể gắn bó chặt chẽ và bổ sung cho nhau. Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 31 di tích  đã xếp hạng, gồm 1 quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt, 14 di tích, cụm di tích quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh. 43 di tích trong danh mục kiểm kê. Đặc biệt không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại,  Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các mục tiêu, giải pháp liên quan đến quản lý văn hóa, tăng cường đầu tư nguồn lực phát triển văn hóa, nhất là yếu tố con người được chú trọng thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Giám đốc Sở VH – TT&DL cho biết: “Công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc thì chúng tôi coi đây là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Chúng tôi cũng tham mưu cho tỉnh về việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, tổ chức các ngày hội văn hóa đảm bảo giữ được truyền thống của người đồng bào. Tỉnh cũng đã phong tặng 2 đợt nghệ nhân ưu tú, tạo niềm phấn khởi cho các nghệ nhân”.

Với quan điểm xuyên suốt của Đảng đó là: văn hoá là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển xã hội và như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Văn hoá là hồn cốt dân tộc, văn hoá còn thì dân tộc còn”, Đảng bộ và nhân dân Gia Lai luôn xác định lấy văn hóa làm nền tảng phát triển. Như dòng chảy không ngừng hội tụ và kết tinh các giá trị cội nguồn của dân tộc, văn hóa chính là cơ sở vững vàng để bảo vệ thống nhất, độc lập chủ quyền, và là nền tảng, động lực khơi nguồn sức mạnh thúc đẩy tỉnh Gia Lai phát triển bền vững.

Nhâm Dung – Minh Trung- Duy Linh


Lượt xem: 58

Trả lời