Gia Lai định hướng phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh của địa phương

Cập nhật 17/3/2019, 14:03:03

Kinh tế Gia Lai đang chuyển dịch đúng hướng, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, tốc độ này còn dưới tiềm năng, quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, số lượng doanh nghiệp ít. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, chiếm đến 86,5%. Đây thật sự là những thách thức và Gia Lai đang thể hiện quyết tâm rất lớn để đưa nền kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Trong cơ cấu kinh tế, Gia Lai xác định thứ tự ưu tiên phát triển nông lâm nghiệp là hàng đầu, tiếp đến là thương mại – dịch vụ và công nghiệp – xây dựng. Đối với nông nghiệp, Gia Lai đã và đang khuyến khích, hỗ trợ phát triển theo hướng tập trung, tạo nên chuỗi giá trị liên kết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh có 23.571 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước; xây dựng được 155 cánh đồng lớn với diện tích 3.040 ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 688 ha, GlobalGAP 500 ha. Năm 2018 giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt hơn 27 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 5,5% so với năm 2017.

Ông Hồ Phước Thành – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết: “Lợi thế của tỉnh vẫn là lĩnh vực nông nghiệp, nhìn nhận vấn đề này và định hướng phát triển nền kinh  tế sao cho đúng hướng. Như vậy chúng ta không thể phát triển theo chiều rộng mà phát triển về chiều sâu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cuối nhiệm kỳ vừa rồi đạt 83,5 triệu/ha, phấn đấu cuối nhiệm kỳ này phải được 130-140 triệu/ ha”.

Đây cũng là định hướng phát triển chung của các tỉnh Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay, nhắc lại tầm nhìn đối với Tây Nguyên tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh nhân dịp về dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được tỉnh Gia Lai tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tây Nguyên phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa; chìa khóa cho sự vươn lên của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông – lâm sản, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc và tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới”.

Thủ tướng còn nhấn mạnh, cần đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, rừng gỗ lớn, chế biến sâu đồ gỗ và nội thất. Chủ trương này cũng đang được các doanh nghiệp hoạt động chế biến lâm sản trong tỉnh hướng đến:

Bà Đào Thị Ngọc Mai – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Gia Khang, tỉnh Gia Lai cũng cho biết: “Công ty cũng đang có kế hoạch nhờ tỉnh hỗ trợ cho DN về dự án trồng rừng và để ổn định vùng nguyên liệu lâu dài để phát triển xuất khẩu và nội địa”.

Ngoài lợi thế về phát triển nông lâm nghiệp đang được khai thác, Gia Lai cũng ưu tiên các dự án phát triển du lịch, công nghiệp điện, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2020 giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống còn 37,25%; tăng thương mại – dịch vụ 33,85%; và công nghiệp – xây dựng là 37,25%. Với định hướng phát triển cùng với hàng loạt các giải pháp thực hiện, trong đó quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp…là cơ sở quan trọng để Gia Lai nâng cao vị thế trong khu vực và trở thành vùng động lực trong tam giác phát triển 3 nước Việt Nam – Lào –  Cam Pu Chia theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Hồng Uyên, Thanh Sáng


Lượt xem: 29

Trả lời