Gia Lai chung tay giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực gia đình

Cập nhật 20/12/2017, 13:12:16

Theo số liệu thống kê, từ năm 2009 đến năm 2016, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 34 vụ giết người, 27 vụ cố ý gây thương tích có liên quan đến bạo lực gia đình đã được Tòa án nhân dân các cấp xét xử. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành trong gia đình nhưng không dám tố cáo. Trước thực trạng như vậy, các cấp, ngành đoàn thể đã có những việc làm cụ thể nhằm kêu gọi mỗi người có những hành động thiết thực hơn để xóa bỏ bất bình đẳng giới và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới.

Chị Anglin, làng Brông, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah là người đã phải chịu bạo hành trong gia đình, nhất là những lần chồng say xỉn, nhưng rất may mắn là đến nay tình trạng này đã chấm dứt. Có được kết quả trên là nhờ sự phối hợp của các đoàn thể trên địa bàn xã trong công tác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ gia đình chị có điều kiện phát triển kinh tế như hỗ trợ xây nhà, tặng bò và vay vốn sản xuất. Đó chính là động lực để gia đình đoàn kết, hòa thuận, vươn lên thoát nghèo.

Chị Anglin nói: “Trước đây, mình hay bị chồng đánh lắm nhưng nay hòa thuận rồi. Gia đình mình còn được tạo điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Mình rất cảm ơn.”

Trong nhiệm vụ thực hiện giảm thiểu bạo lực trên cơ sở  giới rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy, ở mỗi đơn vị, tổ chức đã triển khai những hoạt động, chương trình thiết thực nhằm tạo cơ hội để phụ nữ được tham gia và thụ hưởng bình đẳng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tại cộng đồng, một số ngành phối hợp thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy” để thực hiện công tác hòa giải, vận động và chia sẻ tâm tư với những chị em không may bị bạo lực gia đình. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.002 “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng, trong đó có 343 địa chỉ tập thể và 659 địa chỉ cá nhân.

Bà Phạm Thúy Lục – “Địa chỉ tin cậy” phường Đống Đa, thành phố Pleiku cho biết: “Là một trong những địa chỉ tin cậy, chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt cho chị em để bảo vệ, chia sẻ, động viên khi gia đình gặp chuyện. Bên cạnh đó, gia đình mình phải sống hạnh phúc để tạo niềm tin cho chị em cũng như làm gương để nhiều gia đình học tập.”

Ông Lê Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Tiến hành làm tốt để có những hoạt động cụ thể, thành lập những nhà tạm lánh tại cộng đồng để rồi tuyên truyền, giáo dục và tư vấn cho những gia đình bạo lực để chúng ta biết cách phòng chống và tiến tới xã hội cùng cộng đồng chấm dứt tình trạng bạo lực”.

Mặc dù, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có những cố gắng trong việc bảo vệ, giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Tuy nhiên, thực tế ở một địa phương công tác này chưa được thực hiện chặt chẽ, cán bộ bình đẳng giới đều là kiêm nhiệm chưa thực hiện được phần việc của mình ở tại cơ sở, do đó tình trạng bạo lực đã có giảm nhưng chưa được triệt để.

Thúy Diện- Minh Trung- Huy Toàn


Lượt xem: 42

Trả lời