Gia Lai- 87 năm xây dựng và phát triển

Cập nhật 24/5/2019, 08:05:14

Ngày này cách đây 87 năm (24/5/1932), tỉnh Pleiku, nay là tỉnh Gia Lai được thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương. 87 năm qua, dù trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, nhiều lần nhập-tách tỉnh để phù hợp với yêu cầu của cách mạng, song cán bộ và nhân dân tỉnh Gia Lai luôn phát huy tốt tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua bao khó khăn và thách thức, lập nên những chiến công vẻ vang, chói lọi trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh. Đồng hành cùng đất nước, Gia Lai đang vững vàng đi tới trong tiến trình đổi mới.

Nằm ở địa bàn chiến lược khu vực Bắc Tây Nguyên, Gia Lai tự hào là vùng đất hào hùng, giàu truyền thống cách mạng và hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nhiều dòng sông, con suối, ngọn núi, buôn làng ở Gia Lai đã đi vào lịch sử với những chiến công chói lọi của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với niềm tin sắc son với cách mạng, một lòng theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, cán bộ, nhân dân Gia Lai không ngại gian khổ, hy sinh, quyết tâm đấu tranh để quê hương sạch bóng quân thù và đóng góp xứng đáng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Rơ Ô Lia, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở nơi này ác liệt lắm. Máy bay của kẻ thù thường xuyên oanh tạc, đánh phá nhưng cán bộ và nhân dân trong xã vẫn kiên cường chiến đấu, đóng góp cho cách mạng, một lòng theo Đảng và Bác Hồ kính yêu để tham gia giải phóng quê hương”.

          Truyền thống kiên cường, bất khuất, đoàn kết tiếp tục được cán bộ và nhân dân Gia Lai phát huy trong giai đoạn cách mạng mới để tập trung khắc phục những hậu quả, thiệt hại, hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết, xây dựng quê hương từng bước phát triển. Huy động tối đa các nguồn lực của địa phương và tranh thủ sự quan tâm của Trung ương, Gia Lai đã tập trung đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời giữ vững ổn định về chính trị, tăng cường đảm bảo quốc phòng – an ninh, tạo thế và lực vững chắc để xây dựng tỉnh nhà. Nhiều vùng đất trước đây rất nghèo nàn, lạc hậu nay đã hồi sinh; từ thành thị đến vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới đã khởi sắc từng ngày.

Chị Nguyễn Thị Trâm , làng Đê Gơ, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai nói: “Về mùa mưa trước đây là không thể đi được, đi từ đây ra là rất trơn, lầy lội… Ví như đi ra chợ là không thể đi được rồi. Bây giờ có đường bê tông rồi thì đi lại dễ dàng lắm và rất phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước quan tâm”.

Ông Bùi Viết Hội, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Chư Prông là một trong 3 huyện biên giới của tỉnh, huyện vinh dự là huyện đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và có 6 xã trong huyện vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý này. Những năm qua, cán bộ và nhân dân trong huyện luôn phát huy truyền thống cách mạng để tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm còn 9,12%”.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, đặc biệt là trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, dưới ánh sáng của Đảng, Gia Lai đã chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với quy mô ngày càng lớn. Như năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8%. Các lĩnh vực như xuất khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư… có nhiều khởi sắc với những con số ấn tượng. Gia Lai trở thành kinh tế sôi động, là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Những năm gần đây, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để triển khai hiệu quả 02 chương trình mục tiêu quốc gia đó là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,04%, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,36 triệu đồng/năm, tăng 15,36 triệu đồng so với năm 2015. Lĩnh vực văn hóa – xã hội, an sinh xã hội, công tác “đền ơn đáp nghĩa” có nhiều tiến bộ; khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được phát huy, quốc phòng- an ninh luôn được củng cố và giữ vững.

Ông Ksor Dăm An, làng Tươh Klah, xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai cũng nói: “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cuộc sống của nhân dân ở đây khó khăn lắm nhưng bà con luôn cố gắng làm ăn và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống từng bước được cải thiện, quê hương đổi mới”.

Ông Nguyễn Trường- Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Về xây dựng nông thôn mới ở huyện Đak Pơ đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Huyện đã đăng ký với tỉnh đến năm 2020 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay còn 3 xã chưa đạt. Do vậy, huyện đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể với quyết tâm chính trị cao để đạt mục tiêu đề ra”.

Những thành tựu quan trọng Gia Lai đã đạt được in đậm những dấu ấn trong công tác lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ. Với tinh thần đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không ngừng đổi mới, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở từng giai đoạn lịch sử, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của Đảng, đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn trong công cuộc xây dựng tỉnh nhà. Tự hào với truyền thống vẻ vang trong 87 năm xây dựng và phát triển, trước thời cơ, vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai nguyện tiếp tục chung sức, đồng lòng để xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh và giàu mạnh./.

 Hà Đức,  R’Piên

 


Lượt xem: 92

Trả lời