Giá dê hơi giảm, người chăn nuôi gặp khó

Cập nhật 09/6/2023, 15:06:36

Hai năm trở lại đây, giá dê hơi trên thị trường giảm mạnh, nguồn thức ăn trong tự nhiên của loại vật nuôi này dần cạn kiệt. Cùng với đó, thương lái cũng trở nên kén chọn khi thu mua. Những điều này đã gây khó khăn cho người chăn nuôi dê trong sản xuất và đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Nuôi dê được hơn 3 năm nay và từng hy vọng đây sẽ là sinh kế mới, mang lại thu nhập ổn định sau khi toàn bộ diện tích hồ tiêu của gia đình bị chết, nhưng đến nay, anh Văn Viết Tuân, thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh lại đang hoang mang với mô hình này. Chỉ năm đầu tiên là gia đình anh còn bán được dê với giá cao, từ 70 đến 90 nghìn đồng/kg. Còn hai năm trở lại đây, giá dê hơi liên tục xuống thấp, giao động từ 40 đến 60 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm và tùy chất lượng dê thịt khiến cho gia đình gặp khó khăn về thu nhập. Việc duy trì đàn dê khoảng 60 con giờ lại đang trở thành gánh nặng cho gia đình khi nguồn thức ăn ngày càng trở nên khan hiếm và tốn nhiều chi phí.

Anh Văn Viết Tuân – Thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai nói: “Lúc đầu thấy cũng ổn định mà hiện nay thì giá dê hạ quá, đầu ra thấp. Mình không có để thức ăn cho ăn cho đủ để duy trì đàn dê. Bán thì cũng bán lỗ nhưng cũng phải bán dần để lấy tiền mua thức ăn duy trì đàn dê. Giờ là mình thấy không có chút lợi nhuận nào.”

Toàn xã Ia Blứ hiện có tổng đàn dê khoảng 12 nghìn con, đây cũng là địa phương có tổng đàn dê cao nhất huyện. Thời điểm cách đây khoảng 3 đến 4 năm về trước, khi phong trào chăn nuôi dê nở rộ và giá dê trên thị trường cao, tổng đàn dê của xã có lúc lên đến 20 nghìn con. Vài năm trở lại đây, một phần vì việc tiêu thụ gặp khó khăn vì giá thấp, thương lái kén chọn, phần khác vì nguồn thức ăn trong tự nhiên của loại vật nuôi này như lá keo, cỏ dần cạn kiệt nên người dân đang bắt đầu giảm đàn và không tiến hành đầu tư tái đàn. Hầu hết các hộ chăn nuôi đang duy trì chăm sóc cầm chừng để chờ giá hợp lý là bán để chuyển sang mô hình sản xuất khác có hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Tảo – Thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Trước đây mô hình cũng được mà hai năm nay là giá thấp quá, chỉ được khoảng 40 nghìn đến 50 nghìn đồng, toàn phải bán lỗ thôi. Gia đình cũng phải bán dần, giờ chỉ đang duy trì khoảng 30 con thôi. Không có tiền lãi luôn, không đủ công để phục vụ cho nó. Mô hình giờ cứ giữ vậy thôi, đến đâu hay đến đó thôi.”

Từng được ngành chuyên môn và các địa phương khuyến khích phát triển nhằm tạo thu nhập cho người dân khi các loại cây trồng chủ lực của địa phương bị chết hàng loạt hoặc không mang lại hiệu quả. Nhưng hiện nay, trước tình trạng người chăn nuôi dê gặp khó trong cả chăm sóc lẫn tiêu thụ sản phẩm khiến cho chính quyền địa phương lại phải đưa ra những khuyến cáo đối với việc phát triển loại vật nuôi này.

Ông Nguyễn Bá Hoành Thiên – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai trao đổi: “Bây giờ người dân cầm cự chứ phát triển kinh tế cũng không có nữa. Đối với chính quyền địa phương, không phải chỉ đối với mặt hàng dê mà còn đối với nhiều mặt hàng khác như chanh dây…xã cũng khuyến khích không nên mở rộng mà chăm sóc duy trì, không nên phát triển ồ ạt nữa/ Huyện cũng kêu gọi triển khai các dự án để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn xã nhưng đến bây giờ trên địa bàn xã cũng chưa có dự án nào liên kết thành công.”

Có thể thấy, không chỉ đối với dê mà nhiều nông sản khác từ vật nuôi đến cây trồng trên địa bàn tỉnh đang gặp phải tình trạng chung là thiếu ổn định trong khâu tiêu thụ. Điều này đang đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc hình thành và xây dựng những chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững, hiệu quả, có sự tham gia chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp, HTX và chính quyền địa phương đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp.

Ngọc Hà – Huy Toàn


Lượt xem: 2

Trả lời