Duy trì hay phá bỏ cao su- bài toán khá nan giải.

Cập nhật 20/7/2014, 10:07:17

Cây cao su một thời từng được coi là vàng trắng giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, nhưng thời gian gần đây giá cao su xuống quá thấp, nhiều nông dân ở Gia Lai đành chấp nhận phá bỏ hàng trăm héc ta cao su sau nhiều năm đầu tư chăm sóc.

 

 

Nhiều diện tích cao su tiểu điền ở xã Ia Phìn huyện Chư prông đã được trồng nhiều năm nay đã đến kỳ cho thu hoạch. Thế nhưng, thay vì để cạo mũ thì những cây cao su này đang bị chặt trụi hết cành và cắt ngắn phần ngọn để chuyển thành những trụ trồng tiêu. Cùng với đó nhiều mảnh đất trống, gốc cao su nằm ngổn ngang ngay cạnh những miệng hố vừa được san gạt và bỏ phân chuẩn bị xuống giống cà phê.

 

Tâm sự với chúng tôi chị Hồ Thị Mơ-Xã Ia Phìn- huyện Chư Prông giải bày: “Nhà tôi trồng 6 ha, tôi đã chặt phá 3ha, tôi giữ cây lại để làm trụ trồng xen tiêu vào vì cao su cho mủ ít không đủ tiền công và thua lỗ quá…”.

 

Còn đây là lời tâm sự của anh Phạm Văn Mạnh-Thôn Hoàng Yên- xã Ia Phìn- huyện Chư Prông: “Cao su này tôi đã trồng hơn 8 năm rồi nhưng khi cạo mủ thì không có nên phải chặt bỏ chứ biết làm sao. Đầu tư vào đây nhiều tiền lắm, mà tiền này vay ngân hàng bây giờ chưa trả được, nhưng đành chịu phá cao su thôi chứ không thể để được, bây giờ trồng lại cà phê thôi”.

 

Từ cuối năm 2011, giá mủ cao su đã đi xuống; năm 2013, ở thời điểm đầu vụ khai thác, giá 1 tấn mủ nước khoảng 450.000 đồng, rồi trôi xuống còn 400.000 đồng, và nay chỉ còn 350.000 đồng/tấn, tiền bán mủ không đủ để thuê tiền công người đi cạo. Do vậy việc chặt bỏ cây cao su ở Chư prông và một số nơi khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai bắt đầu diễn ra từ năm 2013, nhưng đến thời điểm này thì rầm rộ hơn vì nhiều diện tích cao su không có mủ hoặc là cho mủ ít, những diện tích cao su cho mủ cũng thua lỗ nên người dân không có tiền để đầu tư chăm sóc.

 

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chưprông cho hay: “Chúng tôi cùng đã biết là nông dân họ chặt phá cao su để chuyển sang hầu hết là trồng cà phê vì cao su và nguyên nhân thì cũng chưa rõ lắm nhưng chắc là vì cao su xuống giá thấp; cao su này là hầu hết trồng theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp, nông dân được vay vốn. chúng tôi khuyên bà con thì không nên chặt mà giữ lại vì theo quy hoạch là diện tích cao su trên địa bàn chưa phải là nhiều”.

 

Theo tâm lý chung, thì thời gian gần đây giá cà phê ổn định nên hầu hết người dân phá bỏ cao su chuyển sang trồng cà phê, nhưng ngặt nổi nhiều diện tích cao su là trên đồi cao, xa nguồn nước sông suối thì không thể trồng cà phê được. Thêm vào đó, người nông dân đã vay vốn ngân hàng đầu tư trồng cao su chưa trả được nợ, bây giờ lại phải thêm nguồn kinh phí đầu tư nữa để chuyển sang trồng cây khác thì thật khó khăn, mà để cao su chiếm hết diện tích mà không thu hoạch như thế này thì cũng dở khóc dỡ cười. Điệp khúc “được mùa mất giá” và “trồng – chặt” đã xảy ra ở cây trồng khác trong những năm trước đây và nay Gia Lai lại rơi vào cây cao su, một thời mệnh danh là cây vùng trắng. Trước tình trạng nông dân chặt phá cao su thì ngành chuyên môn và chính quyền địa phương chỉ khuyến cáo nông dân giữ lại thôi chứ cũng chưa có giải pháp nào và hiện nay người nông dân đang rơi vào tình thế luẩn quẩn, tiến thoái lưỡng nan nên duy trì vườn cao su hay chặt bỏ, đây thực sự đang là bài toán khá nan giải đối với người nông dân và chính quyền trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

 

Ngọc Ánh-Minh Trí


Lượt xem: 61

Trả lời