Đóng góp thầm lặng của cô đỡ thôn bản Đinh Thị Ngọc

Cập nhật 23/7/2018, 10:07:58

Vui vẻ, thân thiện, dễ gần và chân thành là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc, trò chuyện với chị Đinh Thị Ngọc – Cô đỡ thôn bản tại làng Groi, xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro. Việc làm của chị càng trở nên ý nghĩa hơn khi được người dân tin yêu, quý trọng và được chính quyền địa phương ghi nhận. Đó chính là động lực để chị Ngọc tiếp tục hoàn thành công việc mà mình đã lựa chọn.

Thước đo vòng bụng, nhiệt kế, kéo, ống đo tim thai hay sổ theo dõi sức khỏe của trẻ…Tất cả những dụng cụ này đã gắn bó với chị Đinh Thị Ngọc trong suốt 15 năm qua.

Từ lúc nhỏ đến lúc lớn, cô đỡ thôn bản Đinh Thị Ngọc đã chứng kiến không ít phụ nữ trong làng phải khổ sở khi trải qua những lần “vượt cạn”. Thậm chí, có trường hợp cả sản phụ và đứa trẻ đều tử vong do không phát hiện và xử lý kịp thời. Xuất phát từ sự thương cảm đó mà chị Đinh Thị Ngọc đã chọn công việc này như một cái duyên, và bé Định Thị Uyên là một trong số những trường hợp gặp nguy hiểm khi sinh tại nhà.

Chị Ngọc chia sẻ: “Trong các ca đỡ đẻ bản thân tôi nhớ nhất là ca của bé Uyên, mẹ tên là Đinh Thị Phớt, từ đầu tôi thấy người mẹ nó xanh xao, hay mệt mỏi nên tôi nói là không được đẻ ở nhà. Ca này tôi đã theo dõi ngay từ đầu rồi, nhưng do gia đình quá khó khăn với lại bữa đó mưa to nên không thể chuyển đi được. Khi người nhà gọi tôi tới thì thấy em bé ra ngoài rồi. Mẹ thì bị chảy máu ồ ạt nên tôi cũng không dám đụng tới. Tôi vội vàng gọi bác sĩ ở Trạm y tế xã xuống để cấp cứu, cũng may hai mẹ con đều qua khỏi nguy hiểm”.

Bé Đinh Thị Uyên giờ đã được 12 tháng tuổi, nhưng mỗi lần nhắc đến giây phút sinh con, người mẹ trẻ Đinh Thị Phớt vẫn còn bàng hoàng lắm. Vì nếu chị Ngọc không có mặt kịp thời ngay lúc đó thì không biết tính mạng của hai mẹ con chị sẽ ra sao?

Chị Đinh Thị Phớt, Làng Groi, xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro cho biết: “Lần đầu đẻ con nên em không biết, không đến trạm y tế. Nếu chị Ngọc không đến kịp thời thì mẹ con em rất nguy hiểm. Em cảm ơn chị Ngọc, từ lúc em mang thai chị ấy cũng đã nói là đi đến cơ sở y tế nhưng em lại không chịu đi”.

Công việc của chị Ngọc là thế, ngoài vai trò của một cô đỡ thôn bản chị còn là một nhân viên y tế thôn bản tận tình. Nhất là trong các đợt tiêm chủng mở rộng, chị đã đến từng nhà để vận động các gia đình đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đồng thời tư vấn cho các bà mẹ chăm sóc con đúng cách. Để có thời gian toàn tâm với công việc thì người luôn đứng đằng sau động viên, chia sẻ với chị là anh Đinh Văn Hlenh.

Anh Đinh Văn Hlenh, chồng chị Ngọc nói: “Đêm hôm người ta gọi vợ là vợ cứ đi, nếu ở làng khác thì mình chở vợ đến nhà người ta rồi đứng đợi ở ngoài, đợi vợ xong việc thì chở về. Lúc vợ đi tập huấn hoặc bận gì đó thì mình ở nhà lo công việc thôi”.

Tháng 2/2018, cô đỡ thôn bản Đinh Thị Ngọc được Bộ Y tế tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Gần đây nhất, chị được Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản Tp. Hồ Chí Minh trao tặng 1 chiếc xe máy trị giá trên 18 triệu đồng để chị có phương tiện đi lại. Đó chính là nguồn động viên giúp chị ngày càng làm tốt vai trò của mình, mặc dù biết rằng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn.

Chị Ngọc cho biết thêm: “Từ khi ra Hà Nội để dự Hội nghị cô đỡ thôn bản toàn quốc thì đó cũng là niềm vinh dự rất lớn đối với tôi. Giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục công việc của mình. Nhưng hiện nay cô đỡ thôn bản không có tiền phụ cấp, nhiều khi cần tới tiền xăng xe đi lại toàn là lấy tiền ở nhà bỏ ra, đó cũng là một khó khăn cho tôi. May mà ông xã ông cũng động viên, nếu gặp ông xã khó khăn không cho làm công việc này thì cũng chịu thôi”.

Anh Đinh Văn Lên – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tpang, huyện Kông Chro nhận xét: “Với chị Ngọc tôi thấy là một người rất là tâm huyết với công việc, cộng với kiến thức mà chị tập huấn đã giúp đỡ nhiều cho chị em. Trong làng chị thường xuyên giám sát, tuyên truyền và nhắc nhở cho chị em giữ gìn sức khỏe trong suốt thời gian mang thai đến thời kỳ sinh nở.

Ngoài đỡ đẻ cho chị em ở thôn bản mình chị còn giúp đỡ chị em ở các làng lân cận. Đặc biệt khi chị em cần thì bất cứ giờ nào chị đều có mặt giúp chị em sinh một cách an toàn”.

Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn về kinh tế, nhưng giờ đây cô đỡ thôn bản Đinh Thị Ngọc đã thực sự trở thành cánh tay nối dài của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số ở trong thôn, làng. Chính những cống hiến thầm lặng mà lớn lao ấy của chị đang góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Chị thật sự xứng đáng là một bông hoa đẹp, tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường./.

Lệ Xuân, Duy Linh

 


Lượt xem: 75

Trả lời