Chư Pưh thiệt hại nặng do nắng hạn

Cập nhật 03/3/2016, 10:03:33

Trước tình hình nắng hạn ngày càng gay gắt đã nâng diện tích cây trồng bị thiệt hại của tỉnh tăng cao từng ngày. Trong đó, Chư Pưh là địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Vụ Đông xuân năm nay, toàn huyện xuống giống được 510 ha lúa nước. Với tình hình thời tiết như hiện nay, khả năng chỉ thu được 100 ha, nhưng năng suất cũng thiệt hại từ 30-40%, còn lại mất trắng. 

Diện tích lúa nước từ 800 ha, đến vụ Đông xuân năm nay giảm còn hơn 500 ha, nhưng con số thiệt hại vẫn nặng nề

Tại cánh đồng lúa của làng Tao Ôr, xã Ia Ròn. Lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa nhưng do thiếu nước nên cứ khô cháy dần. Hiện tại, trên địa bàn huyện có trên 72 ha trong tình trạng như thế này và không có hy vọng cứu được. Bởi vì, mực nước  tại các công trình đập dâng đã xuống  rất thấp.  Trong đó, cụ thể như đập Tơ Dung thuộc xã Ia H’Rú, bình thường có thể cung cấp nước tưới cho trên 50 ha, nhưng đến nay chỉ còn đủ nước tưới cho 10 ha. Hay như đập Plei Thơ ga ở xã Chư Don, đến nay chỉ đủ nước cho 5 ha nhưng dân phải bơm mới đưa nước về ruộng được.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm quản lý thủy nông Greo Ô Pet Chư Pưh cho biết: “Từ cuối tháng 1 thì đập Plei Thơ ga này đã bị cạn nước. Các năm trước tưới cho trên 100 ha, năm nay, mặc dù đã được dự báo sẽ khô hạn, một số diện tích không xuống giống, chỉ xuống giống 65 ha nhưng đến nay 60 ha đã bị khô hạn. Đây là năm đầu tiên mà đập này mực nước xuống thấp như vậy”.

Mặc dù ngay đầu vụ huyện Chư Pưh đã có những phương án phòng chống hạn như: Những chân ruộng cao, xa nguồn nước, thường xuyên bị thiếu nước, khuyến cáo bà con không xuống giống; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thực tế, diện tích lúa nước từ 800 ha, đến vụ Đông xuân năm nay giảm còn hơn 500 ha, nhưng con số thiệt hại vẫn nặng nề. Trước tình hình nắng hạn gay gắt, gây thiệt hại nặng cho hoạt động sản xuất của bà con, huyện Chư Pưh đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh nói: “Huyện Chư Pưh cũng đã triển khai nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng hạn hán như:  Phối hợp với Xí nghiệp Thủy nông Chư Sê, Chư Pưh điều tiết nước tưới hợp lý từ hồ chứa Ia Ring; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tưới phù hợp, tiết kiệm. Chỉ đạo các xã lập danh sách các hộ có diện tích bị thiệt hại do nắng hạn để đề xuất huyện hỗ trợ”.

Đó là giải pháp trước mắt, tuy nhiên hoạt động sản xuất phải đảm bảo tính ổn định, bền vững lâu dài. Song để đạt được điều này, khó khăn nhất hiện nay của huyện Chư Pưh là không chủ động được nguồn nước vì không có hồ chứa. Hiện tại, một số đập dâng vẫn phải điều tiết nước từ hồ chứa Ia Ring ở huyện Chư Sê về, tuy nhiên một số đập ở xa như Plei Thơ ga nước không thể về đến.

 “Để đảm bảo tình hình sản xuất mang tính bền vững, về phía huyện cũng đã đề xuất là cần đầu tư xây dựng một hồ chứa trên địa bàn huyện. Như vậy mới có thể chủ động được nguồn nước tưới cho cây trồng hàng năm. Trong khi thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, rất khó có thể dự báo mà việc sản xuất lại không chủ động được nên thiệt hại là rất lớn”, ông Lưu Trung Nghĩa nói thêm.

Tính đến nay, ước tính tổng thiệt hại do hạn hán gây ra đối với huyện Chư Pưh là trên 13,5 tỷ đồng. Một điều không ai dám chắc là những năm tiếp theo con số thiệt hại này có giảm, hay tiếp tục tăng (?) khi mà thời tiết ngày càng diễn biến bất thường. 

Hồng Uyên ; Nhật Thành


Lượt xem: 70

Trả lời