Cây cầu nối đôi bờ sông Ba

Cập nhật 13/9/2016, 09:09:23

          Tại huyện nghèo Krông Pa, vài năm nay người dân 2 bên bờ sông Ba thường gọi 2 cây cầu dân sinh bằng gỗ được làm thông qua việc góp vốn của chính những người lái đò trên sông là “cầu vui”. Bởi nhẽ, người mục đích giúp cho những người dân địa phương được đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn, cây cầu còn giúp ích rất lớn cho việc thông thương hàng hóa của người dân tại chỗ nhằm  phát triển kinh tế gia đình…..

13-9-cau

Nếu như trước đây, mỗi khi người dân, giáo viên, học sinh và cán bộ tăng cường về xã làm việc sống tại xã Phú Cần hay thị trấn Phú Túc (Huyện Krông Pa-Gia Lai) muốn sang 3 xã đặc biệt khó khăn Ia H’Dreh, Ia Rmok, Krông Năng hoặc ngược lại đều phải đi vòng cả chục cây số mới đến nơi. Tuy nhiên, nay những khó khăn trong việc đi lại đã cơ bản được khắc phục….

Gần 30 năm sống bằng nghề lái đò trên dòng sông Ba, đoạn qua huyện Krông Pa, ông Dương Thanh Mùi luôn trăn trở với nỗi vất vả của người dân địa phương. Chính từ đó, năm 2012, ông đã bàn với những bạn đò và hàng chục người dân địa phương tại chỗ góp vốn lên tới hơn 700 triệu đồng để bắt tay xây dựng 2 cây cầu dân sinh như thế này với tổng chiều dài mỗi cây cầu hơn 350m. Trong quá trình sử dụng, giáo viên, học sinh và cán bộ làm việc tại xã khi đi qua đây đều được miễn phí. Ngoài ra, những hộ kinh doanh buôn bán và người dân khi đi lại sẽ đóng phí 5 nghìn đồng/ lượt. Số tiền này sẽ được góp lại để tiến hành duy tu, bảo dưỡng cầu mỗi khi cần thiết.

Ông Dương Thanh Mùi – Thị trấn Phú Túc, Krông Pa cho biết: “Mình đặt nặng vấn đề tính mạng con người là trên hết. Cho nên hàng năm mình phải kiểm tra thường xuyên để mình tu sửa, bảo dưỡng. Hàng hóa người dân là một mặt nhưng tính mạng con người là trên hết. Cho nên cảm thấy chỗ nào không được đảm bảo là mình lo bổ sung liền”.

Anh Nguyễn Văn Đức – Xã Phú Cần, Krông Pa nói đi lại gần hơn, ít thời  gian hơn. Mỗi lần mình đi qua thì mình trả phí 5 nghìn đồng thì mình cũng thấy  bình thường thôi, vui”.

Khó có thể nói hết ý nghĩa mà 2 cây cầu dân sinh đóng góp cho lợi ích xã hội. Tuy nhiên cầu chỉ phát huy hiệu quả sử dụng vào 6 tháng mùa khô, còn vào mùa mưa bão thì người dân chủ yếu vẫn phải đi lại bằng đò máy để qua sông, những mối nguy hiểm rình rập là điều không thể tránh khỏi.

Ông Dương Thanh Mùi – Thị trấn Phú Túc, Krông Pa cho biết: “Theo ý nguyện của dân, chính tôi đây thì tôi cũng mong muốn Nhà nước cũng tạo điều kiện có một cái cầu treo, hoặc cầu gì đó đi lại những xã vùng dưới như Ia Dreh, Ia Rmok, Krông Năng để bà con đi lại thuận lợi, trẻ con được đi học cho gần gũi, thuận lợi hơn, chứ cầu trên kia đi cũng phải mất mười mấy cây số, thời gian không bảo đảm được”.

Đoàn Bình, Thanh Sáng

         


Lượt xem: 55

Trả lời