Các địa phương vùng Đông Nam Gia Lai đổi thay sau 42 năm giải phóng

Cập nhật 17/3/2017, 08:03:42

Ngày 17/3/2017 là ngày Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh hân hoan chào đón kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Gia Lai. Đây không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất, hào hùng của thế hệ cha anh  trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc mà còn là dịp đặc biệt để chúng ta nhìn lại một chặng đường xây dựng, phát triển quê hương với nhiều kết quả đáng tự hào.

Sau 42 năm  giải phóng, đến nay  khắp các vùng trong tỉnh đã không còn tàn tích của chiến tranh. Thay vào đó là những đô thị phát triển, những vườn cao su, hồ tiêu, cà phê bạt ngàn. Đặc biệt vùng đất Phú Bổn với bao khó khăn thách thức sau giải phóng, nay đã đổi thay với bao ruộng đồng, làng mạc, phố xá. Dọc đường 7 ngày ấy – Quốc lộ 25 bây giờ đã hoàn toàn đổi thay kỳ diệu.

Bốn mươi hai năm đã trôi qua, đường 7 (tức Quốc lộ 25 ngày nay) ghi đầy dấu ấn lịch sử, đã hoàn toàn đổi mới. Điểm đầu tiếp giáp Quốc lộ 14 có huyện Chư Sê, nay là vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất cả nước. Dọc con đường này, từ thị xã Ayun Pa và các huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa đều trong vùng sản xuất lúa nước và mía đường lớn nhất Tây Nguyên, quanh năm được tưới mát bởi công trình đại thuỷ nông Ayun Hạ và Thuỷ lợi Ia M’lá. Những ruộng mía bạt ngàn, những cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay là biểu hiện cho sự ấm no của bà con các dân tộc trên vùng đất này.

Ông Đặng Tấn Hòa, Chủ tịch UBND xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết: “Nhờ các nguồn vốn đầu tư của của Nhà nước từ các chương trình như 135, Nông thôn mới và các chương trình lồng ghép khác mà bộ mặt nông thôn của xã ngày một phát triển. Cụ thể như hệ thống giao thông nông thôn được cứng hóa, thuận lợi cho nhân dân đi lại; rồi đối với hệ thống kênh mương cũng được cứng hóa đảm bảo nguồn nước cho nhân dân sản xuất; và một số hạ tầng cơ sở trên địa bàn của xã như là trường học, trạm y tế được đầu tư tầng hóa; đời sống của nhân dân ngày một nâng lên, nhà cửa khang trang hơn”.

Đặc biệt trung tâm tỉnh lỵ Phú Bổn cũ, nay là thị xã AYun Pa. Chập chững từ thị trấn và một số xã của huyện Ayun Pa, đã trở thành thị xã ở tuổi lên mười, vùng đất pha cát nghèo khó trước đây đang định hướng cho mình mô hình công nghiệp-dịch vụ để xứng danh là Trung tâm đô thị động lực của  4 huyện thị vùng Đông Nam Gia Lai.

Ông Vũ Xuân Mân, Cán bộ hưu trí thị xã Ayun Pa, Gia Lai nhận xét: Thị xã Ayun Pa giờ đã đổi khác quá nhiều, trước đây chỉ là một trại lính ô hợp thì nay đường sá, nhà cửa, đời sống vật chất, tinh thần đã trở nên khang trang, đủ đầy. Dấu tích của cuộc rút quân thảm họa, gây hiệu ứng đôminô làm sụp đổ hoàn toàn chế độ ngụy quyền Sài Gòn 42 năm trước giờ sức sống mãnh liệt, tràn đầy.

42 năm sau ngày giải phóng, trong những ngày tháng Ba lịch sử này, đi trên con đường 7 năm xưa – quốc lộ 25 hôm nay, chúng ta không khỏi ngạc nghiên trước sự đổi thay của vùng đất này. Đi qua biết bao sự tích hào hùng của quân và dân Gia Lai, những tên làng, tên đất ghi bao dấu tích hào hùng một thời giờ cũng đang trở thành những đô thị đông vui, những làng quê trù phú, những công trình phục vụ dân sinh hoành tráng như cầu Quí Đức, cầu Bến Mộng, đường Đông Trường Sơn, đèo Tô Na đã thể hiện một sự hồi sinh mạnh mẽ, một sức sống mới ấm no, thanh bình, hạnh phúc trên chiến trường xưa.

Ông Phạm Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Chư Drăng, huyện Ia Pa cho biết: “Từ những chủ trương, chính sách đầu tư của Đảng, nhà nước, nhân dân trực tiếp hưởng lợi như hệ thống thủy lợi, hệ thống hạ tầng, các đường phát triển sản xuất, rồi đầu tư trường lớp, trạm y tế… thì từ đó bộ mặt của địa phương đã được nâng lên rõ rệt và cái thứ 2 nữa là đời sống kinh tế của nhân dân đã được nâng lên”.

42 mùa xuân đã trôi qua, vùng Đông Nam Gia Lai giờ đã vươn mình trỗi dậy, thay da đổi thịt. Dòng sông Ba hôm nay cũng trở nên hiền hòa, phù sa tưới mát cho những cánh đồng lúa trù phú. Cuộc sống của người dân bên bờ sông Ayun và Sông Ba đang bước sang trang mới, hạnh phúc, ấm no hơn./.

Quốc Anh – Đức Hải- Minh Trí – Văn Trung


Lượt xem: 120

Trả lời