Anh Pun – Gương điển hình sản xuất giỏi

Cập nhật 07/8/2020, 13:08:47

Với tinh thần quyết tâm làm giàu trên vùng đất quê hương mình, chăm chỉ, mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất cũ sang phương thức sản xuất mới và mở rộng dần quy mô sản xuất, gia đình anh Pun, dân tộc Bahnar, đã trở thành gương điển hình sản xuất giỏi ở làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.

Lập gia đình từ năm 1994, quanh năm, gia đình anh Pun  thu nhập không đáng là bao khi quanh năm chỉ trông chờ vào vài sào ruộng và mấy chục cây cà phê sản xuất theo phương thức cũ với giống cà phê mít. Anh Pun luôn trăn trở suy nghĩ cần phải thay đổi cách thức làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đức tính chịu thương, chịu khó và ham học hỏi, anh cùng vợ từng bước tận dụng điều kiện đất đai sẵn có do cha mẹ để lại sau khi ra ở riêng. Vợ chồng anh tích góp vốn, mở rộng thêm diện tích sản xuất lúa để đảm bảo được nguồn lương thực cho gia đình và mở rộng thêm diện tích cà phê, trồng thêm tiêu. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm và áp dụng một cách linh hoạt nên vườn cà phê, tiêu của anh phát triển rất tốt. Anh đã chuyển từ giống cà phê mít sang giống cà phê rô và trong chăm sóc tiêu, anh áp dụng phương thức kỹ thuật mới. Do chịu khó lao động nên chỉ trong một thời gian ngắn, giờ đây, gia đình anh đã có cuộc sống sung túc với hơn 1ha ruộng lúa nước, 3ha cà phê, 800 trụ tiêu và hơn 10 con heo, trừ chi phí, gia đình anh thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, có năm thu nhập trên 600 triệu đồng. Năm 2004, anh làm được ngôi nhà khang trang, trị giá gần 1tỷ đồng.

Anh Pun, làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai  chia sẻ: “Trước đây, gia đình chủ yếu làm lúa nước chỉ đủ ăn thôi, tại vì chỉ làm được một mùa, sau đó đến năm 1998 học hỏi từ những người đi trước về trồng cà phê, mới đầu chỉ trồng 200 cây, sau đó mở rộng ba ngàn cây, trồng 800 trụ tiêu, do giá cả hiện xuống thấp, sau khi trừ chi phí hàng năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng”.

Từ phát triển kinh tế có hiệu quả, gia đình anh Pun có điều kiện nuôi các con ăn học và nuôi dưỡng một người bác họ già yếu, không nơi nương tựa. Nhiều năm qua, gia đình anh còn giúp đỡ nhiều hội viên nông dân trong làng cùng nhau phát triển kinh tế như giúp đỡ vốn, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất và những hiểu biết về khoa học kỹ thuật.

Chị Nhêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai nhận xét: “Gia đình ông Pun là một hộ sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập một năm trên 300 triệu đồng, chủ yếu là thu nhập từ cà phê, tiêu. Năm ngoái, nhà ông Pun thu nhập trên 16 tấn cà phê nhân, ngoài ra gia đình ông Pun còn làm lúa nước hơn 1ha, thu một năm trên 100 bao, giờ kinh tế đã khá”.

Bên cạnh đó, với vai trò là phó mặt trận thôn, anh Pun luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương, tạo được uy tín và là tấm gương sáng trong công tác vận động, tuyên truyền bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động bà con giáo dân “sống tốt đời đẹp đạo” thông qua các đợt sinh hoạt, hội họp trong làng. Trách nhiệm với công việc, tính cách niềm nở, chan hòa, tinh thần yêu lao động, biết quý trọng bà con, hết lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, anh Pun luôn được mọi người quý mến, tin cậy.

Anh Huynh, người dân làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Lai chia sẻ: Chú Pun là một người rất tốt, lúc tôi đau ốm nằm bệnh viện thì chú cho tiền, bà con cũng vậy lúc khó khăn hoạn nạn qua nhà vay mượn thì chú cũng cho, năm vừa rồi vợ chồng tôi xây dựng nhà không đủ tiền cũng qua mượn tiền chú để xây dựng được căn nhà để ở.

Với những kết quả như trên, nhiều năm liền, anh Pun được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, huyện. Năm 2017, anh Pun vinh dự được đi dự Hội nghị điển hình tiên tiến do tỉnh Gia Lai tổ chức. Việc làm của anh Pun đã góp phần tạo sức lan tỏa, cổ vũ các phong trào thi đua ở địa phương để ngày càng có nhiều hơn những gương mặt mới, việc làm mới vì cộng đồng, vì sự phát triển của quê hương./.

Khách – H’Len – Viễn Khánh

 

 


Lượt xem: 31

Trả lời