75 năm Quốc hội Việt Nam – Nhớ về những vị đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Gia Lai

Cập nhật 06/1/2021, 07:01:06

Ngày 6/1/1946 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới như một mốc son chói lọi – Đó là ngày mà cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước với khí thế sôi nổi. Ngoài ý nghĩa lịch sử trọng đại, nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa I kéo dài 14 năm (từ tháng 1/1946 đến tháng 5/1960). Trong khóa Quốc hội đầu tiên ấy, Gia Lai vinh dự có những đại biểu tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2021), mời quý độc giả cùng nhìn lại một thời kỳ gian khó nhưng cũng rất đỗi tự hào của Quốc hội khóa I và những cống hiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai ngày ấy.

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã được tiến hành sôi nổi và thắng lợi khắp cả nước. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Quốc hội khóa I là Quốc hội thống nhất cả nước, Quốc hội kháng chiến và kiến quốc. Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ của quốc dân giao phó đối với một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (giai đoạn 1945-2005), do nhận Chỉ thị chậm nên ngày 23/12/1945  thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch nước về tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, không phân biệt giới tính, thành phần xã hội, tôn giáo thực hiện quyền công dân tham gia bầu cử Quốc hội. Tổng số cử tri của cả tỉnh đi bầu cử đạt trên 90%. Khắp nơi trong tỉnh không khí bầu cử rất sôi động. Đây thực sự là một ngày hội lớn. Theo đó, các ông Nguyễn Bá Hòe – Công nhân; Nay Phin và Rơchơm Rok – Nhân sĩ trí thức người dân tộc thiểu số được Mặt trận Việt Minh giới thiệu đã trúng cử vào Quốc hội khóa đầu tiên. Điều này đã chứng tỏ chính quyền dân chủ nhân dân ở nước ta và bước đầu thể hiện tư tưởng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Tuy chỉ mới bước đầu nhưng đó là những quyền hết sức cơ bản mà lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, trong đó có nhân dân Gia Lai được hưởng.

Ông Ksor Phước – Nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai tự hào nói: “Những người này đều tham gia cách mạng Việt Minh hết và cũng tham gia trong quá trình giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Pleiku và rất xứng đáng. Trong quá trình hoạt động của Quốc hội khóa I rất khó khăn, giữa tháng 9 Pháp quay lại gây hấn ở Nam Bộ, chúng ta phải chuẩn bị ngay các tình huống cho cuộc chiến đấu mới của đất nước, tháng 10 tình hình gây cấn hơn. Tôi được biết, các vị đại biểu đã làm hết trách nhiệm trước cử tri, trước nhân dân nói chung và ở Gia Lai nói riêng”.

Nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa I kéo dài 14 năm qua 12 kỳ họp. Là nhiệm kỳ đầu tiên của cơ quan lập pháp tối cao, Quốc hội khóa I đã xem xét và thông qua hai bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật, 50 nghị quyết và ba chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa I diễn ra từ ngày 28/10 đến 09/11/1946, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là cải tổ Chính phủ (bãi nhiệm Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, thành lập Chính phủ mới), Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận và thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới. Và trong kỳ họp này, ngày 29/10/1946, Quốc hội quyết định mở rộng thêm 10 vị đại diện của các nhóm, đại biểu trung lập, đại biểu Nam Bộ, đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia vào Tiểu ban dự thảo Hiến pháp để tu bổ và hoàn chỉnh bản Dự thảo Hiến pháp. Ngoài tự hào có 3 đại biểu được tham gia vào đại biểu Quốc hội khóa I, ông Nay Phin – Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai khóa I còn vinh dự được tham gia vào ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946.

Bà Nay Lan – Nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, con gái ông Nay Phin xúc động kể lại: “Ông có kể lại là năm 1946 khi bầu cử Quốc hội, trong tỉnh ông trúng cử và ra ngoài đó họp phiên đầu tiên để bầu Chủ tịch nước,  Chính phủ, thì ông đi bộ từ đây với mấy đồng chí của tỉnh mình, ông nói là đi cả tháng trời mới ra đến Hà Nội. Tôi có hỏi là ba đi trên đường vậy thì ăn ra sao, ông có nói là đường Trường Sơn lúc bấy giờ không như bây giờ đâu,  trên đường đi các lán trại của bộ đội và ăn cơm với các cán bộ chiến sĩ rồi đi bộ tiếp ra ngoài đó.  Ông kể lại khi ra ngoài đó họp Quốc hội xong thì Quốc hội bầu các bạn, trong đó có ban soạn thảo Hiến pháp và ông nói là ông được tham gia trong Ban soạn thảo Hiến pháp mà Bác Hồ làm Trưởng Ban. Quá trình cống hiến cách mạng của ông từ khi ông hoạt động ở Gia Lai đến khi ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I, II, III  và những vất vả của sự  cống hiến của ông cho cách mạng, cho dân tộc, con cháu sau này nhìn lại thấy rất tự hào và mỗi người cố gắng làm được những việc như ông và hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao để không phụ lòng của ông”.

75 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam vẫn sáng ngời tính thời sự, có sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn. Qua 75 năm hình thành và phát triển đầy vẻ vang, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 khóa hoạt động, thông qua 5 bản Hiến pháp với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước; xứng đáng là cơ quan đại diện quyền lực cao nhất của nhân dân. Kế thừa những công lao đóng góp của các ĐBQH qua các thời kỳ, các ĐBQH tỉnh Gia Lai cũng không ngừng nỗ lực, phấn đấu nhằm hoàn thành tốt trọng trách được giao, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh./.

Thiên Thanh, Phi Long


Lượt xem: 122

Trả lời