Triển vọng từ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đến từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Cập nhật 23/9/2019, 13:09:40

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được triển khai tích cực tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ đây, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng với nhiều tiềm năng phát triển đang được chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh sản xuất và bước đầu nhận được các tín hiệu lạc quan từ người tiêu dùng. Trong đó, được quan tâm và nhận được nhiều phản hồi tích cực chính là các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Đây là động lực để các địa phương và các đơn vị sản xuất tiếp tục hoàn thiện sản phẩm theo quy định của OCOP cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm để nhanh chóng tạo được dấu ấn trên thị trường.

Cà gai leo –  từ một loại cây dại mọc hoang đã được các nhà khoa học nghiên cứu đưa vào sản xuất, chế biến thành sản phẩm trà dược liệu ở một số tỉnh thành phía Bắc. Mặc dù cũng xuất hiện lâu đời tại làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê nhưng loại cây này chưa được người dân phát hiện và khai thác. Thời gian gần đây, sản phẩm trà dược liệu cà gai leo được sản xuất tại xã Tú An đã xuất hiện và đang dần được người tiêu dùng ưa chuộng vì có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người như đào thải độc tố trong gan, hạ men gan, tiêu giảm mụn nhọt do nóng trong người; hỗ trợ điều trị làm giảm triệu chứng men gan cao, xơ gan, gan nhiễm mỡ…

Chị Hồ Thị Viên, Thành viên HTX Tú An 1, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai nói: Vì đây là loại cây hồi giờ nó chỉ mọc dại, không ai trồng nên khi vận động bà con trồng bà con không nghe. Vì thế nên một số hộ trong làng, trong đó có gia đình tôi mới tiên phong làm trước. Qua vụ thu hoạch vừa rồi thì thấy nó rất dễ làm, mang lại hiệu quả cao, cải thiện được thu nhập. Ở một số nơi, người ta đã thành công rồi nên mình cũng tự tin làm.

HTX Tú An 1 đang là đơn vị duy nhất ở Gia Lai cũng như trong khu vực các tỉnh Miền Trung – Tây Nguyên sản xuất và chế biến loại trà này. Vì thế, những tiềm năng về thị trường tiêu thụ và phát triển sản phẩm là rất lớn. Dự kiến sang năm 2020, bằng các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn, chương trình Mỗi xã một sản phẩm và nguồn vốn đối ứng của các thành viên HTX, HTX Tú An sẽ đầu tư được máy móc, trang thiết bị, để chuẩn hóa sản phẩm khi cung cấp ra thị trường.

Ông Lê Văn Bộ, Giám đốc HTX Tú An 1, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “HTX nhận được sự quan tâm, đầu tư khá nhiều từ các cấp. Qua đó đã giúp cho HTX có được điều kiện để mà phát triển sản phẩm cho nó hoàn chỉnh, đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của thị trường. Bước đầu, khi đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm, rồi tiếp cận thị trường thì đã nhận được những phản hồi rất tích cực về chất lượng, mẫu mã”.

Cũng trong vài năm trở lại đây, các sản phẩm từ cây đinh lăng, nhất là rượu đinh lăng được sản xuất tại huyện Chư Pưh cũng đang được nhiều người tiêu dùng biết đến. Tuy là sản phẩm rượu nhưng rượu đinh lăng công dụng chính là bảo vệ, bồi bổ sức khỏe nếu được sử dụng với liều lượng hợp lý. Công ty TNHH MTV Ngọc Thạch Khôi là đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực này tại huyện Chư Pưh. Hiện sản phẩm rượu đinh lăng của công ty đang được huyện Chư Pưh đưa vào danh mục sản phẩm OCOP của huyện trong năm 2019. Theo đó, nhiều kỳ vọng về định hướng phát triển cho sản phẩm, đưa sản phẩm tiếp cận rộng rãi với thị trường tiêu thụ đang được đặt ra.

Ông Nguyễn Long Khánh, Phó Phòng NN & PTNT huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Huyện có 2 sản phẩm đưa vào chương trình OCOP năm nay là rượu ngâm đinh lăng và tinh bột nghệ. Thì thời gian tới huyện cũng sẽ tập trung hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm…để nhiều người biết đến sản phẩm của địa phương hơn”.

Để trở thành các sản phẩm mang thương hiệu OCOP, đặc biệt hơn là có được chỗ đứng trong thị trường, các sản phẩm như trà dược liệu cà gai leo, rượu đinh lăng nói trên phải đảm bảo những quy định khắt khe về quy trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đầu vào, máy móc, trang thiết bị… Do đó, việc đảm bảo chất lượng cũng như hướng đến sức khỏe người tiêu dùng được xác định là mục tiêu hàng đầu quyết định đến sự thành công của thương hiệu. Sát cánh cùng các đơn vị sản xuất rong mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, các địa phương đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực trong việc sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến quảng bá sản phẩm, xây dựng kênh tiêu thụ; thu hút doanh nghiệp và thúc đẩy liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản dược liệu. Tin rằng, với những bước đi cụ thể, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đến từ chương trình OCOP sẽ tạo được dấu ấn và được nhiều người tiêu dùng đón nhận/.

Ngô Thanh , Ngọc Hà, Viễn Khánh, Ksor Tuối


Lượt xem: 50

Trả lời