Những đóng góp của Anh hùng Núp trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho đất nước.

Cập nhật 26/4/2024, 06:04:37

Người dân Việt Nam đã quen với hình ảnh thân thuộc về Anh hùng Núp lưng trần mang trên mình chiếc ná huyền thoại lần đầu tiên bắn Pháp “chảy máu”, làm nên “Đất nước đứng lên”, tạo tiếng vang ra cả thế giới. Tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc diễn ra tháng 8/1955, Anh hùng Núp được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, là người Tây nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý này. Anh hùng Núp – “cánh chim đầu đàn”, biểu tượng về tinh thần anh dũng, kiên cường, bất khuất của Tây Nguyên.

Không chịu nổi cảnh áp bức của thực dân Pháp, năm 1935 trong một lần quân Pháp đến làng bắt phu, một mình Anh hùng Núp dùng nỏ bắn Pháp bị thương chảy máu, kể từ đó, dân làng Đe Dong, xã Nam, huyện An Khê (nay là làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) tin theo anh Núp và hạ quyết tâm đánh giặc. Gương chiến đấu của làng Stơr, của Anh hùng Núp có sức ảnh hưởng ngày càng rộng trong toàn vùng, tạo thuận lợi trong việc phát động xây dựng bố phòng làng kháng chiến, hình thành ngọn lửa kháng Pháp trên khắp vùng Tây Nguyên. Năm 1945, Anh hùng Núp tham gia cướp chính quyền ở địa phương, từ đấy, có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Anh hùng Núp đã vận động đồng bào thành lập các tổ du kích, xây dựng buôn, làng chiến đấu chống những cuộc càn quét của quân viễn chinh Pháp. Dưới sự lãnh đạo và sự chỉ huy mưu trí của Thôn đội trưởng Núp, dân quân, du kích làng Stơr dựa vào núi rừng hiểm trở, sử dụng chiến thuật chiến tranh du kích với chông tre, bẫy đá, cung tên… đã nhiều lần đánh bại quân thù.

Tiến Sỹ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân nói: “Anh hùng Núp là người thanh niên tham gia phong trào chống Pháp rất là sớm, và đặc biệt với sự ra đời của tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” bác Núp trở thành biểu tượng đoàn kết các dân tộc Tây nguyên chống Pháp và điều đó là rất đúng bởi vì bác Núp là người tham gia trực tiếp đánh Pháp và lập làng chiến đấu từ rất sớm. Khoảng đầu năm 1940 trong 1 lần Pháp tổ chức càng lên làng Stơr, bác Núp đã bắn chết tên Pháp dẫn đầu 1 toán lính khố đỏ…Làng Stơr bị truy lùng và  phải rời sâu vào trong núi để lập làng chống Pháp và dân làng phải duy chuyển 12 địa điểm khác nhau để chống Pháp, và nơi để lại dấu ấn sâu sắc nhất đó là địa điểm sau này lập hồ sơ làng kháng chiến Stơr là làng cũ ở trên núi Bơ Lây để chống Pháp…Năm 1948 bác Núp được đứng vào hàng ngũ của Đảng, từ đây vai trò là người đứng ra kêu gọi đồng bào các dân tộc Tây nguyên chống chống Pháp rồi sau này chống Mỹ được đồng bào khu vực hưởng ứng, từ đây vị trí vai trò của Núp không chỉ nằm khu vực làng xã Nam An Khê mà tiếng vang bác Núp trở thành biểu tượng đoàn kết chiến đấu không chỉ phạm vi Tây nguyên Việt Nam mà tiếng vang ra cả  thế giới đặc biệt là châu Mỹ la tinh và tầm ảnh hưởng đến nhân dân Cu Ba là rất lớn…”

Trong những năm 1965 – 1968, Mỹ – Nguỵ tổ chức nhiều cuộc hành quân lớn, tăng cường sử dụng các loại máy bay chiến lược, ném bom rải thảm khắp vùng, với mục tiêu phá huỷ hoàn toàn căn cứ kháng chiến của tỉnh. Trước tình hình đó, với vai trò là Bí thư  Khu 10, Anh hùng Núp ra sức vận động Nhân dân các xã Krong, Kơpier, Lơpa tích cực hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, giết giặc lập công. Từ kinh nghiệm chiến đấu thời chống Pháp, Bí thư Núp đã chỉ đạo Nhân dân các làng, xã trong vùng tiếp tục thực hiện chiến tranh du kích, đẩy mạnh vót chông bố phòng, xây dựng và củng cố làng kháng chiến để chống lại các cuộc hành quân càn quét của địch.

Tiến Sỹ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân cho biết: “Sau thời gian ra miền Bắc học tập, khoảng cuối năm 1960 Bác quay trở lại khu căn cứ địa cách mạng, nay là Khu 10  vị trí của Bác với vai trò là kết nối các dân tộc trong Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam là rất lớn…. điều đó làm cho người ta biết đến Bác Núp, biết đến phong trào chống ngoại xâm không chỉ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên mà là biểu tượng Anh hùng cách mạng trong phong trào chống ngoại xâm…”

Với những đóng góp xuất sắc của mình, năm 1953, tại Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua toàn Liên khu, Anh hùng Núp đã được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Năm 1955, Anh hùng Núp vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, là người Tây Nguyên đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này. Anh hùng Núp là tấm gương sáng ngời về ý chí anh dũng, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của các dân tộc Tây Nguyên, là biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc của Việt Nam./.

Ngọc Ánh – R.Piên


Lượt xem: 6

Trả lời