Tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh và bền vững

Cập nhật 09/10/2021, 17:10:11

Gắn thực hiện hai chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) đó là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai những năm qua đã có những đổi thay, khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Tiếp tục xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, đưa các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về giảm nghèo bền vững vào cuộc sống, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.

Không chỉ biết làm lúa, làm mỳ như trước đây, nay gia đình chị Siu Brí, ở làng Klũh Klãh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông đã biết chăn nuôi và trồng cà phê nhờ được cán bộ xã và già làng tuyên truyền, vận động. Cuộc sống gia đình nhờ đó cũng đỡ khó khăn, vất vả hơn trước.

Chị Siu Brí – Làng Klũh Klãh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, Gia Lai chia sẻ: “Giờ biết làm cà phê rồi, đỡ hơn nhiều rồi. Ở làng cũng nhiều người làm, nhiều người hết khổ rồi”.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là bà con DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững được cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh Gia Lai đẩy mạnh, đã giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy nội lực để giảm nghèo. Rất nhiều người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Cùng với đó, các nguồn vốn giảm nghèo đã được các địa phương lồng ghép và sử dụng hiệu quả; tạo điều kiện cũng như động lực cho người dân có thêm cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; vươn lên thoát nghèo.

Anh Siu Hiếu – Làng Hrang, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, Gia Lai nói: “Cố gắng nhắc nhở trong gia đình phải vượt được khó, phải tiến bộ làm giàu chính đáng”.

Ông Tăng Ngọc Trai – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Cơ, Gia Lai  cho biết: “Thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện thì cũng thực hiện nhiều chương trình đồng bộ như Chương trình 135 rồi lồng ghép các chương trình của nguồn NTM, rồi định canh định cư; tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nhiệm vụ đặt ra là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với giảm nghèo bền vững, nhất là trong vùng đồng bào DTTS và tại các xã đặc biệt khó khăn, thôn/làng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các xã nghèo; tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới; ổn định định canh định cư cho người dân…

Ông Blưk – Xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, Gia Lai thông tin: “Chủ trương của Đảng, Nhà nước với kế hoạch di dời bà con và định canh định cư thì đây là chủ trương rất là tốt; chủ trương mang tính là giúp tạo điều kiện cho nhân dân, những hộ thiếu đất ở, những hộ khó khăn như hộ nghèo, hộ chính sách có công. Ở đây ai ai cũng quyết cố gắng làm nương làm rẫy, làm lúa Đông xuân, làm cà phê”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở này, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng 5 năm 2021-2025 của tỉnh Gia Lai cũng xác định triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách, chương trình, dự án để đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nhất là đối với đồng bào DTTS. Huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, làng đặc biệt khó khăn; thực hiện định canh định cư bền vững. Đặc biệt, tỉnh đang xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Quốc hội mới phê duyệt đó là Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 giảm bình quân 0,8%/năm để đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn đa chiều mới) xuống còn dưới 1%/năm; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm xuống dưới 5%./.

Mỹ Tiến, R’Piên, Duy Linh


Lượt xem: 10

Trả lời