Tái canh cà phê, khó khăn trong xác định diện tích cần tái canh

Cập nhật 24/3/2017, 15:03:28

Với hơn 90.000 ha cà phê, Gia Lai là địa phương có diện tích cà phê lớn của vùng Tây Nguyên và của cả nước. Tuy nhiên trong tổng số diện tích này, nhiều diện tích cà phê đã già cỗi năng suất thấp, cần tái canh và cải tạo để đảm bảo cho năng suất và sản lượng vườn cây. Thế nhưng khó khăn đối với các địa phương hiện nay đó là xác định diện tích cà phê cần tái canh; bởi trên thực tế, diện tích cà phê cần tái canh trong dân vượt quá nhiều so với kế hoạch của các địa phương. PS được thực hiện tại huyện Chư Sê.

Huyện Chư Sê hiện có trên 1.000 ha cà phê cần tái canh trong tổng số diện tích 8.092 ha ; và theo kế hoạch, năm 2017 huyện sẽ thực hiện tái canh 300 ha. Tuy nhiên qua thống kê báo cáo của các xã, thị trấn thì diện tích cà phê trong dân cần tái canh nhiều hơn gấp 2 lần so với kế hoạch đề ra của địa phương; trong đó tập trung ở 1.067 hộ tại 13 xã, thị trấn.

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, Gia Lai  cho biết: “Qua đi khảo sát thực tế thì nhu cầu của bà con khoảng trên 700ha. Những diện tích cần tái canh chủ yếu là những diện tích năng suất kém, phát triển thì đang tốt nhưng trước đây là sử dụng những loại giống không năng suất nên bà con tái canh để sử dụng những giống mới”.

Quá trình tái canh dẫn đến một thực tế là sản lượng cà phê sẽ bị sụt giảm đáng kể do một phần lớn diện tích cây cà phê già cỗi bị chặt bỏ để trồng mới; và bài toán đặt ra là làm thế nào để đảm bảo cho mục tiêu về sản lượng, cũng như đời sống của người trồng cà phê sẽ ra sao khi mà trong vòng 3 đến 5 năm, cây cà phê trồng tái canh mới cho thu nhập. Với người trồng cà phê, khi mà hiện nay nguồn vốn cho tái canh đang gặp khó thì việc xác định diện tích cần tái canh cũng phải theo kiểu “cân đo đong đếm”, và việc thực hiện tái canh cũng theo kiểu “làm dần dần”.

Anh Nguyễn Văn Hiệp – Thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, Gia Lai  cũng cho biết: “Trên địa bàn thôn đây thì nhiều diện tích cà cần tái canh lắm tại vì giống quả nhỏ, năng suất kém, đất thì bạc màu, với lại thời xưa thì mình trồng cà chưa theo 1 quy trình kỹ thuật nào. Gia đình mình tái canh thì cứ 1 đám 50 cây, 20 cây, 30 cây mình tự tái canh; mình đào lên rồi tự mình trồng vào, mình trộn phân làm đúng quy trình thì nó tự lên lại. Mình không tái canh hết vườn vì vốn mình không có”.

Tái canh cà phê là cần thiết, nhất là với những diện tích cà phê đến giai đoạn bắt buộc cần phải tái canh. Với tổng nguồn vốn cho nhu cầu thực hiện tái canh cà phê của huyện Chư Sê trong năm 2017 là hơn 124 tỷ đồng; thế nhưng việc tái canh chắc chắn sẽ gặp khó khi mà các hộ nông dân trồng cà phê chưa mạnh dạn thực hiện tái canh  vì đa số diện tích cà phê cần tái canh chủ yếu nằm ở các hộ độc canh cây cà phê, và vườn cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình. Xác định diện tích cà phê cần tái canh trong thực tế sẽ giúp các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện, nhưng để việc tái canh đạt hiệu quả thì điều cần thiết vẫn là phải đảm bảo cho lợi ích của người trồng cà phê./.

Mỹ Tiến, Minh Trí


Lượt xem: 68

Trả lời