Sốt xuất huyết gia tăng – Người dân còn chủ quan trong công tác phòng bệnh

Cập nhật 15/7/2019, 14:07:19

Bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai với trên 3.000 ca mắc đã được ghi nhận từ đầu năm đến nay, tăng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, kết quả điều tra véc tơ trước phun chỉ số mật độ muỗi, lăng quăng, bọ gậy đều cao hơn chỉ số cho phép của Bộ Y tế. Tập quán tích trữ nước của người dân, các dụng cụ phế thải chứa nước không được thu gom và xử lý tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh phát triển dẫn đến tình hình dịch sốt xuất huyết kéo dài, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát và lan rộng vào các tháng cuối năm 2019.

Phường Tây Sơn, thành phố Pleiku có 21 ổ dịch sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu ở tổ 3. Thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng, nhưng tại một số hộ gia đình cách đơn giản nhất để phòng bệnh là thường xuyên lật úp, thau rửa các dụng cụ chứa nước để muỗi không có nơi sinh sản vẫn chưa được coi trọng. Hiện chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy đang được tăng cường tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng khu dân cư để huy động người dân cùng chung tay phòng chống sốt xuất huyết.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy – Tổ 3, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Hiện tại đang có dịch rất nhiều người bị, Ở nhà cũng đang có người bị. Ở phường xuống hướng dẫn cho mình tất cả các đồ dùng xung quanh nhà chứa nước nên dọn dẹp sạch sẽ”.

Y sỹ Vũ Thị Nhẫn – Phó Trưởng Trạm Y tế phường  Tây Sơn, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Năm nay xảy ra rất nhiều, gấp 3,4 lần năm ngoái. Lực lượng y tế còn mỏng, sự phối hợp của người dân chưa đồng nhất, có hộ rất nhiệt tình nhưng có hộ cũng chưa nhiệt tình trong vệ sinh môi trường của gia đình nên cũng khó khăn. Tự bản thân người ta biết phòng chống vệ sinh môi trường xung quanh mình sẽ không có lăng quăng bọ gậy, hạn chế nguồn lây bệnh. Rất mong các ban ngành, đoàn thể cùng phối với y tế đôn đốc nhắc nhở để người dân làm vệ sinh môi trường bởi vì phun thuốc phòng đây chẳng qua diệt muỗi trưởng thành, thời gian mình để nước đọng lâu ngày tạo lăng quăng bọ gậy sinh ra muỗi sốt xuất huyết”.

Chỉ riêng trong tháng 6 trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.100 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh hiện đang gia tăng nhanh ở thành phố Pleiku và các huyện Kbang, Chư Prông, Krông Pa, thị xã An Khê. Bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch như bể nước, chum, vại, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa…. Việc phun thuốc muỗi phòng chống dịch là quan trọng nhưng chỉ có tính nhất thời và cần thiết khi diệt muỗi nhanh. Còn gốc rễ của vấn đề, có tính lâu dài trong phòng chống sốt xuất huyết là diệt loăng quăng, bọ gậy.

Ông Đinh Hà Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai khuyến cáo: “Hiện tại chúng ta đang vào mùa mưa nhưng nắng mưa đan xen dẫn tới tình trạng đọng nước ở các dụng cụ chứa nước, dụng cụ thải ra rất nhiều ở khu dân cư. Dự báo trong thời gian tới nguy cơ tình hình bệnh vẫn tiếp tục gia tăng, thực tế khả năng khống chế các ổ ấu trùng muỗi trên địa bàn tỉnh hiện tại đang gặp khó khăn bởi vì sau khi chúng tôi đi kiểm tra người dân đều biết  bệnh do muỗi đốt, muỗi sinh sản ở những nơi nước đọng nhưng do cuộc sống bận rộn nên họ quên đi kiểm tra thường xuyên. Đặc điểm muỗi sốt xuất huyết hay đốt người vào ban ngày, đặc biệt là vào sáng sớm là nhiều. Người dân quan tâm không để cho muỗi có nơi sinh sản đặc biệt là các dụng cụ có nước đọng quanh khu dân cư, trung bình tốt ngày 3-5 ngày đi kiểm tra xung quanh ví dụ chai bia, bầu nước nhìn miệng rất nhỏ như thế nhưng vừa qua chúng tôi đi kiểm tra đổ bầu nước rất nhiều lăng quăng sinh sống. Tất cả những dụng cụ dù lớn dù nhỏ đọng nước thì muỗi sẽ đẻ vào đó. Có một câu rất đơn giản của bộ y tế đưa ra là “Không có lăng quăng thì không có bệnh sốt xuất huyết”.

Từ đầu năm đến nay, cả nước có trên 80.000 ca sốt xuất huyết, 6 ca tử vong. Bộ Y tế vừa gửi công văn khẩn chống dịch, đề nghị các Sở Y tế, bệnh viện tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết. Cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, vai trò của người dân trong việc chủ động vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy tại từng gia đình là quan trọng nhất. Công tác phòng chống dịch chỉ thực sự mang lại hiệu quả một khi người dân cùng chung tay hành động và thực hiện tốt khẩu hiệu “Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết”./.

Kim Châu, Huy Toàn


Lượt xem: 72

Trả lời