Sông Ba ngày càng trở nên hung dữ, khó lường  

Cập nhật 15/10/2018, 14:10:22

Dòng sông Ba chảy qua địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu, gây sạt lở hàng trăm ha đất ở và đất sản xuất, đe dọa tài sản, tính mạng của nhiều gia đình. Mặc dù tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhưng làm thế nào để ngăn chặn những tác động xấu do dòng sông Ba biến đổi dòng đó là bài toán không thể giải quyết triệt để trong ngày một ngày hai. Phóng sự “Sông Ba ngày càng trở nên hung dữ, khó lường” sẽ phản ánh về hệ lụy do dòng sông Ba gây ra trên địa bàn huyện Krông Pa.

Vào mỗi mùa mưa lũ, cùng với Thủy điện An Khê – Kanat xả lũ, dòng sông Ba trở nên hung dữ, làm sạt lở, nhấn chìm nhiều ha đất ở và đất sản xuất của hàng trăm gia đình sinh sống dọc hai bên. Đối với xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa có khoảng 110 hộ ở 5 thôn, buôn đang bị ảnh hưởng bởi tác động xấu do dòng sông Ba. Trước đây, nhà của các gia đình cách xa dòng sông Ba, nhưng càng ngày dòng sông này lấn sát mép nhà, cuốn đi đất ở và một số công trình, vật kiến trúc trên đất, đe dọa tính mạng của bà con. Đã thiệt hại về kinh tế, tâm lý bất an nhưng nhiều gia đình đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” vì không có điều kiện để di dời nhà cửa đến sinh sống ở nơi khác.

Ông Vũ Ngọc Quỳnh – Thôn Quỳnh 3, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Dòng sông Ba gây thiệt hại rất nặng, xáo trộn đời sống sinh hoạt, ảnh hưởng đến tâm lý của bà con. Năm nào bà con cũng kiến nghị đến các ngành chức năng để triển khai các biện pháp ngăn chặn dòng sông Ba gây sạt lở đất”.

Bà Lê Thị Hảo – Xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai cũng nói: “Biết là ở đây rất nguy hiểm bởi sông Ba nhưng bà con đành phải chịu vì không có tiền để mua đất ở rồi di dời nhà đến chỗ khác. Mong muốn chính quyền địa phương tìm biện pháp giúp bà con”.

Tại một số khu vực trên địa bàn huyện Krông Pa, dòng sông Ba ngày càng phình to ra, có nơi đến ra hàng trăm mét, bên lở thì xâm thực, gây sạt lở đất nghiêm trọng, còn bên bồi thì thành những bãi cát, làm nhiều gia đình mất đất sản xuất nên đời sống rất khó khăn.

Ông Nay Phi – Buôn Bát, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai nói: “Gia đình tôi có hơn 1 ha đất sản xuất nằm dọc sông Ba nhưng nay bị dòng sông này cuốn đi mất rồi, không còn đất sản xuất nữa”.

Ông Nguyễn Văn Tuyên – Chủ tịch UBND xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Chính quyền địa phương đề xuất với cấp trên tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại do dòng sông Ba gây ra và triển khai các dự án di dời các hộ ra khỏi vùng sạt lở đất”.

Sông Ba ngày càng hung dữ, khó lường  bởi biến đổi khí hậu và cả sự tác động không thể chối cãi của chính con người. Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền địa phương tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách để ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do dòng sông Ba gây ra. Tại một số khu vực xung yếu nhất dọc dòng sông này tỉnh đã đầu tư xây dựng bờ bè. Tỉnh cũng đã hỗ trợ huyện Krông Pa triển khai dự án di dân vùng sạt lở đất đối với người dân ở 4 buôn thuộc xã Ia Rsai. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của địa phương có hạn nên việc triển khai công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do dòng sông Ba gây ra đang gặp nhiều khó khăn. Tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí từ chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai để triển khai các phần việc tiếp theo, nhằm từng bước hỗ trợ, giúp đỡ người dân ứng phó với sự biến đổi của sông Ba./.

Hà Đức, R’Piên,Sơn Trung

 

                                                                                                  

                                                                                                                     


Lượt xem: 89

Trả lời