Khó khăn trong trả nợ vốn vay HS-SV trên địa bàn huyện Ia Pa

Cập nhật 22/11/2017, 14:11:58

Đến cuối tháng 9 năm nay, dư nợ cho vay học sinh-sinh viên trên địa bàn huyện Ia Pa đạt hơn 3,5 tỉ đồng. Theo đó đã có 178 hộ gia đình trên địa bàn các xã vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho con em đi học. Không thể phủ nhận ý nghĩa nhân văn này của chương trình khi giúp nhiều học sinh-sinh viên theo đuổi ước mơ nghề nghiệp tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, sau khi ra trường, nhiều sinh viên không xin được việc làm hoặc thu nhập không ổn định nên cũng phần nào ảnh hưởng đến việc trả nợ.

Để có tiền cho con trai là Rơ Chăm Cương theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, bà Rơ Chăm H’Gen trú tại thôn Ama H’Đá, xã Chư Mố, huyện Ia Pa đã vay tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số tiền hơn 22 triệu đồng. Cũng như bao gia đình khác, khi ra trường bà hy vọng con sẽ có được việc làm ổn định để giúp bà trả nợ ngân hàng. Thế nhưng đã 4 năm nay, con trai bà chưa tìm được công việc ổn định, đành phải làm thuê kiếm sống với thu nhập bấp bênh.

Bà Rơ Chăm H’Gen-cho biết: “4 năm ra trường chưa xin được việc làm, ở nhà đi làm thuê làm mướn ngày được 120 ngàn, trong gia đình có người đau ốm nữa nên mua thuốc không có đủ tiền trả cho ngân hàng. Đến ngày hôm nay, con của cô qua Bình Dương nghe nói trong đó có công ăn việc làm, sau này có tiền phải trả cho ngân hàng chứ cũng không muốn nợ ngân hàng như vậy”.

Ông Ksor Nuy- Trưởng thôn Ama H’Đá, xã Chư Mố, huyện Ia Pa cũng cho biết: “ Nhà nước tạo điều kiện cho vay học sinh, sinh viên để chi phí học tập. Vay xong đi học 3, 4 năm không có việc làm. Chưa có việc làm thì học sinh, sinh viên đi làm thuê làm mướn trả lãi thôi. Ở thôn này có 3-4 đứa vay chưa có việc làm, nợ ngân hàng 22 đến 17 triệu, số tiền lãi vẫn đóng theo quy định của ngân hàng”.

Nhiều năm qua, chương trình cho vay học sinh-sinh viên là một trong những chương trình mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước với mục tiêu không để học sinh-sinh viên nào khó khăn về kinh tế mà không thể đến trường. Với số tiền vay được đã góp phần giúp nhiều sinh viên đóng học phí và trang trải chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân, sau khi ra trường nhiều em không xin được việc làm hoặc thu nhập không ổn định nên cũng phần nào ảnh hưởng đến việc trả nợ. Trên địa bàn huyện Ia Pa hiện có 5 trường hợp hộ vay đã quá hạn trả nợ với số tiền 43 triệu đồng.

Em Ksor Yinh-Xã Chư Mố, huyện Ia Pa nói: “Sau khi ra trường em muốn làm gần nhà, ở tỉnh hoặc huyện nào trong tỉnh. Gia đình cũng khó khăn, rảnh thì về nhà phụ giúp gia đình được. Em cũng có đăng ký qua mạng, muốn đi phỏng vấn lắm nhưng không có tiền đi xe, trả tiền này nọ nữa.

Ông Nguyễn Phi Loan-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Tul, huyện Ia Pa cho biết: “Số sinh viên học sư phạm hiện trên địa bàn xã chưa xin được làm vì điểm của những sinh viên này không cao lắm, trong thi tuyển, xét duyệt gặp nhiều khó khăn. Số sinh viên học không đúng chuyên ngành, xã, huyện cần kỹ sư nông nghiệp, các ngành thể dục thể thao thì số sinh viên này không nằm, bằng cấp không đúng xã, huyện cần tuyển. Các xã, trường cũng đủ chỉ tiêu nên không hợp đồng, tuyển dụng”.

Được biết, sau khi không xin được việc, một số cử nhân trên địa bàn huyện Ia Pa đã vào các tỉnh phía Nam để làm công nhân. Khi cung-cầu lao động và tuyển dụng còn có nhiều điểm chưa gặp nhau không chỉ lãng phí công sức, tiền của của người học, gia đình mà còn ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động của các cấp, ngành, địa phương và tổ chức doanh nghiệp. Trước thực tế này, việc chọn ngành, chọn nghề và trang bị cho bản thân những kiến thức, kỹ năng cần thiết cần được các em học sinh chú trọng hơn nữa, qua đó góp phần tạo thêm cơ hội tìm kiếm việc làm với mức thu nhập ổn định cho bản thân./.

Thiên Thanh, Duy Linh

 


Lượt xem: 61

Trả lời