Hiệu quả từ một mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật 26/9/2021, 16:09:13

Hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị được xem là một trong những giải pháp góp phần giải quyết được các vấn đề bất cập trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Nhất là vấn đề về chi phí đầu tư, chăm sóc và đầu ra sản phẩm. Theo đó, trong chuỗi liên kết, ngoài vai trò chủ thể của người nông dân, còn có những mắt xích quan trọng khác như HTX, doanh nghiệp cùng hợp tác, đưa hoạt động sản xuất nông nghiệp đi vào quy trình khép kín và tạo ra giá trị bền vững. Câu chuyện liên kết sản xuất cây ngô sinh khối được thực hiện tại huyện Chư Pưh là ví dụ cụ thể cho thấy tính hiệu quả của cách làm này.

Sau 3 tháng xuống giống và chăm sóc, 5ha ngô sinh khối đầu tiên trong tổng số 30 ha được Liên hiệp HTX tinh dầu Tây – Bắc Gia Lai phối hợp với HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại ngàn, huyện Chư Pưh triển khai đã cho thu hoạch. Theo đánh giá của đơn vị triển khai, nhờ đưa loại giống ngô biến đổi gen có năng suất cao, cũng như khả năng kháng sâu bệnh, kháng thuốc trừ cỏ vào sản xuất và được chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên năng suất trọng vụ đầu tiên này rất khả quan. Dự kiến, sau khi trừ đi chi phí ứng trước, người trồng có thể thu được lợi nhuận từ 17 đến 20 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Viết Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Hiện nay có 7 hộ đã tham gia liên kết và diện tích với 30 ha trên địa bàn huyện Chư Pưh và 20ha trên địa bàn xã Ia Mơ, huyện Chư Prông. Sắp tới, HTX cũng dự kiến sẽ nhân rộng, triển khai trên quy mô lớn. Hầu như là đầu tư 80% chi phí sản xuất cho bà con rồi, sản phẩm sau thu hoạch thì được bao tiêu toàn bộ. Tính ra lợi nhuận thu về cho người nông dân cao hơn bắp hạt, nên kinh tế ổn định cho hộ liên kết”.

Hiện nay, việc nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư, phát triển các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã mở ra nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thức ăn cho gia súc với khối lượng lớn. Trong đó, ngô sinh khối là một trong những sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất. Nắm bắt cơ hội này, tại các địa phương, một số HTX, Liên hiệp HTX đã triển khai ký kết các hợp đồng sản xuất với người nông dân và hợp đồng cung cấp sản phẩm với đơn vị tiêu thụ để sản xuất và cung ứng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Liên hiệp HTX Tinh dầu Tây – Bắc Gia Lai nói: “Liên kết chuỗi có lợi thế là chúng tôi cho bà con nợ giống, phân, có giá sẵn. Chúng tôi sẽ ký giá hợp đồng theo thỏa thuận, vậy là ngay từ đầu vụ bà con đã hoạch toán được là mình có thể thu về lợi nhuận bao nhiêu rồi. Và chúng tôi cũng đã ký hợp đồng với phía đối tác, thỏa thuận về giá cả ngay từ đầu rồi. Vì thế mà mức an toàn rất là cao”.

Chư Pưh hiện có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm thay thế cho một số loại cây trồng truyền thống không còn mang lại hiệu quả. Theo đó, địa phương đã chú trọng đến việc triển khai các chương trình đầu tư để hình thành các chuỗi liên kết, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Long Khánh, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Chư Pưh, Gia Lai trao đổi thêm: “Năm 2021, huyện bố trí 1,6 tỉ để hỗ trợ 6 xã để triển khai các mô hình liên kết. Trong đó có 6 mô hình liên kết về chăn nuôi, 1 liên kết trồng trọt. Riêng chương trình liên kết sản xuất cây ngô sinh khối, huyện đã liên kết với tập đoàn Lộc Trời, triển khai 15 ha trên địa bàn huyện. Và Liên hiệp HTX của tỉnh triển khai 30ha. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả thực tế để nhân rộng ra trong những năm tiếp theo”.

Với những ưu thế đã được chứng minh trên thực tiễn, có thể thấy hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị là mô hình cần được triển khai trên tất cả lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Mỗi mắt xích trong chuỗi sẽ đóng một vai trò khác nhau để tạo nên một quy trình sản xuất khép kín, có kế hoạch, có định hướng. Và lúc đó những nỗi lo về đầu ra, giá cả sẽ không còn là gánh nặng đối với người nông dân.

 Ngọc Hà, Phi Long


Lượt xem: 75

Trả lời