Điệu Then ở thôn Pác Pó

Cập nhật 25/11/2020, 10:11:44

Gần 30 năm trước, người Tày, Nùng từ huyện Pác Pó, tỉnh Cao Bằng vào thôn Pác Pó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông để lập nghiệp. Trong hành trang đến với vùng đất mới, ngoài việc mang theo “tên xã, tên làng”, thì cây Đàn tính cùng những điệu Then mượt mà, giàu tình cảm, đặc trưng của dân tộc là thứ không thể thiếu trong tiềm thức văn hóa của mỗi người. Mời quý độc giả cùng chúng tôi cảm nhận về tình yêu dành cho những điệu hát Then của người Tày, Nùng ở thôn Pác Pó, xã Ia Lâu huyện Chư Prông.

Một buổi tập luyện của CLB “Then tính Bằng Lăng”, thôn Pác Pó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông. Những thành viên ở đây cho biết, dù phải xa quê vào Tây Nguyên lập nghiệp; dù  cuộc sống áo cơm vẫn còn đó những khó khăn, nhưng tình yêu quê hương, yêu bản sắc văn hóa đất Bắc không bao giờ nhạt phai trong tâm khảm của họ. Câu lạc bộ được thành lập lúc đầu có 16 thành viên, đều là người dân tộc thiểu số Tày, Nùng hiện đang cư trú tại thôn Pắc Bó. Hội trường thôn cũng chính là nơi sinh hoạt cho câu lạc bộ.

Bà Đinh Thị Thiều, Chủ nhiệm CLB “Then tính Bằng Lăng”, thôn Pác Pó, xã Ia lâu, Chư Prông cho biết: “Do xa quê, với lại tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó để gìn giữ lại những bản sắc của dân tộc mình, cho nên tôi đã xin thành lập CLB. Rất là vui khi CLB đã được đi biểu diễn ở xã, ở huyện và trong các dịp Lễ hội do tỉnh tổ chức. Đó là những dịp thuận lợi để chúng tôi quảng bá được bản sắc của dân tộc mình”.

Thôn Pác Pó, xã Ia Lâu có 384 hộ dân, phần lớn là người dân tộc Tày và Nùng từ tỉnh Cao Bằng di cư vào vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng gần 30 năm trước. Nhiều người ở đây nay đã lớn tuổi, họ am hiểu tường tận mọi phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc mình. Chính vì vậy họ đã đem theo tất cả những nét văn hóa truyền thống của quê hương vào nơi ở mới, trong đó có hát Then – Đàn Tính. Với họ, tiếng Then tính như dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn của những người con xa quê.

Ông Nông Văn Đoàn, CLB “Then tính Bằng Lăng”, thôn Pác Pó, xã Ia lâu, Chư Prông cũng nói: “ “Mỗi lúc nhớ về quê hương tôi đều mang cây đàn tính ra, đàn những điệu Then quen thuộc, đó là những bài hát về quê hương, về đất nước và viết về Bác Hồ nữa. Những điệu hát ấy đã thấm vào người mình rồi nên mình mới hát được như vậy”.

Nếu như người Nghệ Tĩnh có câu hò ví dặm, đất Tổ Hùng Vương Phú Thọ có điệu hát Xoan thì người Tày, Nùng ở Cao Bằng coi tiếng Then Tính là tiếng nói tinh thần của họ, là tiếng hát thần tiên thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc Hoàng giải quyết một số vấn đề của gia chủ. Vậy nên, những thế hệ con cháu của họ, dù sinh ra trên vùng kinh tế mới, nhưng vẫn luôn được đắm chìm trong những điệu Then truyền thống ấy.

Cháu Nông Lương Thùy Dương, CLB “Then tính Bằng Lăng”, thôn Pác Pó, xã Ia lâu, Chư Prông cho biết: “Cháu thấy các bà hát hay, múa đẹp cháu rất thích nên cháu nói với các bà dạy cho cháu để mai mốt lớn lên cháu được biểu diễn cho bà con trong thôn của mình xem”.

Được biết, những năm qua, chính quyền xã Ia Lâu đã luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn xã, nhất là với loại hình nghệ thuật hát Then, đàn Tính của bà con dân tộc Tày, Nùng. Để giúp bà con bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc, hàng năm, xã đã tổ chức nhiều chương trình, hội diễn văn nghệ, cho CLB và bà con tham gia biểu diễn và được luôn được đánh giá cao./.

Quốc Linh,  Mạnh Hà


Lượt xem: 159

Trả lời