Đảm bảo quyền lợi cho trẻ em người gốc Campuchia

Cập nhật 04/6/2018, 09:06:51

Đức Cơ là một trong những huyện biên giới có nhiều người Campuchia di cư sang sinh sống. Họ sống và lập gia đình tại địa phương từ lâu nên đã có đầy đủ giấy tờ hợp pháp của Việt Nam. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho những đối tượng này, trong đó đặc biệt quan tâm và thực hiện có hiệu quả việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em là con của người gốc Campuchia. Ghi nhận tại xã Ia Pnôn.

Ông Rơ Lan Nho là người gốc Campuchia. Năm 1977, ông chạy trốn khỏi chế độ diệt chủng, sang Việt Nam sinh sống rồi lấy vợ, lập nghiệp. Được chính quyền địa phương quan tâm, 2 đứa con của ông đều được đi học và rất ngoan ngoãn.

Ông Rơ Lan Nho, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ cho biết: “Con tôi đi học, sách được Nhà nước cấp, quần áo được tặng, học phí được miễn giảm”.

Ở nơi phên dậu của Tổ quốc, làng Trêl vẫn được nhiều người quen gọi là “Làng Cam” bởi đến 70% dân cư trong làng đều là người gốc Campuchia. Họ di cư sang Việt Nam từ những năm 1976-1978 và đã được chính quyền và người dân ở đây sẻ chia, đùm bọc. Tại đây, có những đứa trẻ dù không mang nguồn gốc Việt Nam nhưng các em được quan tâm và đảm bảo các nhu cầu cơ bản của quyền trẻ em.

Em Rơ Mah Nghĩa, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ cũng nói: “Con đi học thầy cô rất quý con. Sống ở đây mọi người trong làng rất thương yêu con”.

Làng Trêl hiện có 84 gia đình với hơn 100 trẻ em là người gốc Campuchia. Họ sống hòa thuận và đoàn kết với người dân bản địa nơi đây để cùng phát triển kinh tế. Nhờ sự quan tâm của địa phương, những người gốc Campuchia được nhập quốc tịch, hộ khẩu, được thuận lợi sinh sống, làm ăn, phát triển cuộc sống gia đình, con của họ được làm giấy khai sinh, cấp sổ bảo hiểm y tế, được đi học đầy đủ.

Bà Rơ Mah H’Yơnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: ‘Các chính sách ưu tiên cho các cháu người gốc Campuchia cũng như con cháu người Việt Nam. Các cháu được đi khám, đi học, các dịp vui chơi cũng được tổ chức, không phân biệt người Campuchia hay người Việt Nam. Các mặt hàng chính sách đều được quan tâm như nhau để các em có cuộc sống vui vẻ, thoải mái”.

Những người Campuchia này đã chọn nơi đây là quê hương thứ 2 và bắt đầu cuộc sống mới trên đất Việt. Con của họ được học tập, vui chơi và phát triển bình đẳng. Những thế hệ thứ 2, thứ 3 và nhiều thế hệ mai sau của “làng Cam” sẽ luôn được chính quyền và pháp luật Việt Nam bảo vệ để các em phát triển toàn diện, đoàn kết với bạn bè và tự tin trên bước đường tương lai của mình./.

Nhâm Dung – Cao Duy – R’Piên


Lượt xem: 91

Trả lời