Chư Păh: Người dân vẫn thiếu đất sản xuất.

Cập nhật 30/3/2014, 09:03:37

Để có quỹ đất xây dựng hai công trình thuỷ điện Sê San 3 và Sê San 3A, năm 2004, hơn 190 hộ đồng bào Jrai của làng Díp, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh sẵn sàng rời bỏ nhà, nương, rẫy để chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư mới. Tuy nhiên 10 năm qua là khoảng thời gian dân làng Díp vẫn sống trong cảnh khó khăn vì không có đất sản xuất.  

Làng Díp tại khu tái định cư.

 

Tháng 3 là thời điểm ngày mùa chính của bà con dân tộc thiểu số nhưng đối với gia đình anh Rơ Chăm Xuân, ở làng Dip thì lại khá thảnh thơi. Thay vì ra đồng, lên rẫy, anh Xuân phải ở nhà bởi một lý do đã tồn tại nhiều năm nay đó là thiếu đất sản xuất.  

 

Tâm sự với chúng tôi Anh Rơ Chăm Xuân ở làng Dip – xã Ia Kreng – Chư Păh nói: Thời điểm trước được bên công trình cấp cho hơn 1 hecta đất sản xuất, gia đình có trồng bời lời nhưng do đường đi khó khăn quá nên hiện giờ đã bỏ. Bây giờ chủ yếu sang huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum canh tác trồng lúa, mỳ.

         

Theo dự án tái định canh, định cư, sau khi về nơi ở mới, dân làng Díp đã được chủ đầu tư xây dựng 155 căn nhà và cấp mỗi hộ 2 hecta đất sản xuất tại khu vực Bãi Trâu, song do đường đi vào khu vực này khó khăn, hiểm trở, cách làng 7km lại phải qua nhiều ngầm, suối nên bà con đành bỏ không. Khó khăn chồng chất khó khăn khi hầu hết diện tích đất ít ỏi xung quanh làng đang ở lại toàn là dốc cao chênh vênh, sỏi đá và là đất bạc màu nên hoàn toàn không thể sản xuất được. Đặc biệt, 10 năm về nơi tái định cư, bà con làng Díp đã tách mới thêm 31 hộ khiến cho việc giải quyết đất sản xuất càng trở nên cấp bách.

 

Trao đổi với Ông Rơ Chăm Nhao-Trưởng thôn làng Dip – xã Ia Kreng – Chư Păh, ông Nhao cho biết: Mới có thêm 31 hộ nhưng cũng thiếu đất sản xuất, dù được Nhà nước mới vừa cấp thêm đất nhưng cũng cách xa làng gần 20km, đường đi cũng khó khăn. Giờ đề nghị Nhà nước quan tâm làm thêm con đường để đi lại thuận tiện, bà con vui mừng.

 

Để giải quyết nhu cầu thiếu đất sản xuất, UBND tỉnh đã thu hồi hơn 175 hecta đất thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly để bố trí thêm đất sản xuất cho bà con làng Díp. Tuy nhiên nút thắt cuối cùng vẫn là đường đi lại còn quá khó khăn. Thực trạng này kéo dài nhiều năm đã dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Người dân rơi vào cảnh thiếu lương thực thường xuyên. Không có quỹ đất sản xuất, nhiều bà con phải xâm canh trái phép sang địa phận huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.   

 

Ông Rơ Chăm Hyinh-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Kreng khẳng định: Cái cần thiết nhất là làm con đường để đi lại cho dễ dàng để dân sản xuất. Lúc trước dân được cấp sổ đỏ ở khu đất sản xuất rồi giờ chỉ đợi được đầu tư làm đường đi thuận tiện. Đường xá qua lại khó khăn, lúc nào tiếp xúc cử tri dân cũng đề nghị nhiều lắm. Đảng ủy, HĐND, UBND xã khắc phục đề nghị với huyện, tỉnh, Đảng và Nhà nước sớm làm đường cho bà con để sản xuất.

 

khu đất sản xuất có nhiều đồi, núi, đi lại khó khăn.

 

Được biết sau 10 năm chuyển về nơi ở mới, hiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại làng Díp chiếm tới 80%. Hàng năm chính quyền địa phương đều phải cứu đói cho bà con, năm 2012 là 38 hộ, năm 2013 cứu đói 31 hộ và hiện chính quyền xã Ia Kreng đang lập danh sách đề nghị cứu đói thêm 33 hộ.  

 

Về nơi ở mới, mặc dù dân làng Díp được thụ hưởng đầy đủ những điều kiện thuận lợi về nhà ở cũng như hạ tầng cơ sở phục vụ dân sinh, song bài toán về đất canh tác để ổn định lương thực cho bà con đến tận bây giờ vẫn chưa có lời giải. Đây là vấn đề cần phải sớm có giải pháp tháo gỡ để bà con ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất bám làng./.

Nhật Thành-Thanh Sáng-Đặng Trà


Lượt xem: 67

Trả lời